Nữ nhà báo Tan Qiuyi của CNA (Singapore) khi đưa tin này đã chua thêm: “Trung Quốc cho đến nay vẫn cảnh giác trong việc nhất trí với một quy ước mang tính ràng buộc pháp lý để quản lý hoạt động của các quốc gia trong vùng biển tranh chấp”, và rằng thỏa thuận hợp tác này là “thể hiện đầu tiên của ông Vương tại một cuộc họp bộ trưởng các nước ASEAN kể từ khi ông trở thành bộ trưởng ngoại giao vào tháng 3 năm nay”.
Có vẻ như Trung Quốc đã “nhúc nhích” một bước về vấn đề biển Đông với một bộ trưởng ngoại giao mới là ông Vương Nghị.
Có thể hiểu tại sao nhà báo Singapore xem đó là một “thể hiện đầu tiên” của ông Vương. Chẳng qua, chỉ một ngày trước khi cuộc gặp Trung Quốc - ASEAN diễn ra, giữa Trung Quốc và một thành viên ASEAN là Philippines đã lại rơi vào một vụ “đấu võ mồm” khi báo chí Trung Quốc cảnh cáo Philippines rằng một “phản kích” nhắm vào Philippines là không tránh khỏi nếu như Philippines tiếp tục khiêu khích Trung Quốc bằng việc “chiếm giữ bất hợp pháp” các đảo tranh chấp, mời nước ngoài vào khai thác dầu khí, quốc tế hóa vấn đề, “rước” Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ vào các căn cứ quân sự của mình... Chính vì vụ căng thẳng mới nhất này mà Reuters đã chạy tít “Trung Quốc đồng ý đàm phán về biển Đông giữa một tranh cãi ồn ào mới với Manila”.
Thật ra, cuộc họp về COC tại Bắc Kinh tháng 9 tới có vẻ không là gì mới mẻ: đây sẽ là cuộc họp SOM lần thứ 6, tức đã trải qua năm cuộc họp SOM rồi, “biết bao nước đã chảy qua cầu” và đã “chảy” như thế nào ai cũng biết.
Cũng thế, hai bên đã, đang và sẽ gặp nhau rất nhiều lần, kể cả ở cấp cao nhất. Tháng 8 tới đây, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc sẽ lại gặp nhau. Tháng 10 tới đây, lãnh đạo các nước sẽ lại gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 16 ở Brunei!
Trong “rừng” họp hành đó, có một thực tế đáng lưu ý. Trước hết, là các tranh chấp trên biển Đông không liên quan đến cả 10 nước ASEAN, và 10 nước đều không cùng chung trọn vẹn lợi ích. Mặt khác, bên cạnh quan hệ ASEAN - Trung Quốc như là một khối, còn có quan hệ song phương trong lợi ích từng nước ở những mức độ khác nhau trong mọi lĩnh vực. Và cuối cùng là lợi ích từng nước vẫn là tối thượng như có thể thấy qua việc ba nước thành viên của ASEAN đang ì xèo với nhau chuyện khói bụi cháy rừng...
Tân ngoại trưởng Vương đã khoét sâu vào thực tế này khi nhấn mạnh: “Các tranh chấp trên biển Đông không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, vì vậy nó không ảnh hưởng đến mối quan hệ rộng hơn giữa hai bên”. Từ đó, ông Vương tỏ rõ phương hướng của ông như sau: (1) “Trung Quốc sẽ xử lý những khác biệt cụ thể hiện có với một số nước yêu sách với chính sách ngoại giao”; (2) “Bất kỳ hành động của bất cứ quốc gia đang có yêu sách trong các vùng biển tranh chấp sẽ không được hỗ trợ bởi bất kỳ bên nào”.
Có thể thấy người mới song chính sách không mới: các tranh chấp chỉ là việc song phương, không thể nào trở thành đa phương. Mới chẳng qua là trong bối cảnh “bất biến“ đó, sẽ họp hành ASEAN - Trung Quốc nhiều hơn, sẽ càng tạo ra hiệu ứng là Trung Quốc sẵn sàng đàm phán với ASEAN, và tác dụng phụ sẽ là cản trở bất cứ sự chen chân nào khác...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận