01/07/2013 09:55 GMT+7

Nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN

 VIỆT TOÀN - THANH TUẤN
 VIỆT TOÀN - THANH TUẤN

TT - Theo TTXVN, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 46 khai mạc ngày 30-6 tại Bandar Seri Begawan (Brunei) đã ra thông cáo chung.

Thông cáo chung khẳng định quyết tâm đẩy mạnh nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN “liên kết về kinh tế, gắn kết về chính trị và cùng chia sẻ trách nhiệm về xã hội” bằng việc thực hiện Hiến chương ASEAN và lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

xvcavgjL.jpgPhóng to
Các ngoại trưởng ASEAN siết tay với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (bìa phải) trong ngày khai mạc 30-6 - Ảnh: Reuters

Cuộc họp lần này của bộ trưởng ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN do Bộ trưởng ngoại giao và thương mại Brunei, hoàng thân Mohamed Bolkiah chủ trì với chủ đề “Nhân dân của chúng ta - Tương lai của chúng ta”. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự.

Tại hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN, bao gồm xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và thực hiện những quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 tại Brunei vào tháng 4, định hướng tương lai của ASEAN, cấu trúc hợp tác khu vực và quan hệ đối ngoại của ASEAN, các vấn đề khu vực và quốc tế.

Các nước ASEAN cam kết đối với việc đề ra tầm nhìn ASEAN sau năm 2015 nhằm đối phó với các thách thức trong tương lai để thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, làm sâu sắc hơn nữa hội nhập ASEAN cũng như duy trì vai trò chiến lược của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình và trên thế giới. Các bộ trưởng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN và tái khẳng định cam kết cùng phối hợp với các đối tác thông qua các cơ chế do ASEAN đứng đầu gồm ASEAN +1, ASEAN +3, ARF, ADMM+ và cấp cao Đông Á (EAS) trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Thúc đẩy Trung Quốc đàm phán về COC

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong tình hình hiện nay ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc tham gia đàm phán chính thức về COC, đặc biệt trong bối cảnh năm nay hai bên sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Bộ trưởng cho hay đây là điều có ý nghĩa bắt buộc với các nước nhằm bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông. Bộ trưởng ủng hộ đề xuất của Thái Lan tổ chức Hội nghị hẹp bộ trưởng ngoại giao ASEAN vào giữa tháng 8 tại Thái Lan cũng như đề xuất về việc cấp cao ASEAN - Trung Quốc thông qua tuyên bố chung về hướng tới xây dựng COC.

Các bộ trưởng hoan nghênh các đề xuất của ASEAN và Trung Quốc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm nay, trong đó có Hội nghị bộ trưởng ngoại giao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc vào tháng 8 tới, chuyến đi quảng bá ASEAN của các bộ trưởng kinh tế ASEAN tới Trung Quốc và Diễn đàn cấp cao về kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc tại Thái Lan cũng vào tháng 8. Hội nghị đánh giá cao đóng góp của Nhật Bản vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ, đồng thời chờ đợi vào Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Brunei vào tháng 10 năm nay.

Hội nghị cũng đã thảo luận về tình hình và những diễn biến gần đây tại biển Đông, khẳng định lại tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải tại khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), Nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về biển Đông và Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm ngày ký DOC. Các bộ trưởng đã khẳng định cam kết chung theo tinh thần DOC, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982.

Bộ trưởng các nước tham dự mong đợi tham vấn chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ và cuộc ra mắt muộn màng

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay chính thức có chuyến ra mắt các ngoại trưởng của ASEAN khi ông đồng chủ trì phiên họp giữa ASEAN và Mỹ. Cùng ngày, ông dự kiến có cuộc họp cấp bộ trưởng về sáng kiến Hạ vùng sông Mekong (LMI) và trong ngày mai, ông sẽ dự Diễn đàn an ninh khu vực ARF cùng Hội nghị ngoại trưởng Đông Á (EAS).

Năm tháng sau khi tại nhiệm, đường đến Đông Nam Á của ông Kerry là con đường dài và quá trắc trở. Ông hai lần hủy hoặc giảm các chuyến thăm tới khu vực: lần đầu là trong chuyến thăm hồi tháng 4 khi chỉ thăm Đông Bắc Á và lần hai là ngay chuyến thăm này khi hủy lịch trình đi Việt Nam và Indonesia.

Ông Kerry dù tuyên bố cam kết với chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng ông lại có tới năm chuyến thăm đến Trung Đông để thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel - Palestine. Hôm qua, báo chí kể ông hội đàm đến 4g sáng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước khi phóng vội xe đi trong màn đêm xuyên Jerusalem để tới Ramallah gặp Tổng thống Abbas của Palestine. Lịch trình đi Brunei của ông thậm chí bị lo ngại là bị trễ vì nỗ lực con thoi này (lịch trình ban đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa nói ông sẽ tới Brunei ngày 30-6).

Ông Ernest Bower, giám đốc về nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế (CSIS) ở Washington, viết: “Ông Kerry sẽ cố tái khẳng định với các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rằng chính sách tái cân bằng của Mỹ với khu vực là có thật và sẽ được Mỹ duy trì [...]. Châu Á hoàn toàn đúng khi quan ngại trung tâm chính sách đối ngoại sẽ chuyển dần từ Bộ Ngoại giao sang Nhà Trắng. Quan chức Mỹ hàng đầu cho vấn đề châu Á giờ có vẻ chính là Tổng thống Mỹ Barack Obama”.

Theo ông Bower, sự hiện diện của ông Kerry là quan trọng với ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp tại biển Đông. Hoạt động của ông Kerry tại ARF sẽ rất quan trọng cho chiến lược của Tổng thống Obama ở khu vực. Diễn đàn được coi như chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á cũng như là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN diễn ra tháng 10 tới. Ông Bower bình luận: “Tin tốt là Tổng thống Obama thật sự quan tâm và muốn hành động [vì châu Á]. Điều trớ trêu ông là tổng thống, và tùy theo diễn biến tình hình, sẽ chỉ thỉnh thoảng tập trung vào khu vực mà thôi”.

Có thông tin vào đầu tháng 6 ông Obama đã chỉ đạo các bộ trưởng phải xem lại hoạt động của các bộ và chú ý tới chính sách “tái cân bằng”. Ông yêu cầu các bộ trưởng mỗi năm phải ít nhất tới thăm khu vực này một lần.

 VIỆT TOÀN - THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên