15/06/2013 10:22 GMT+7

Nhật sẽ bỏ thi tuyển vào đại học

ANH DUY
ANH DUY

TT - Chính phủ Nhật sẽ xóa bỏ kỳ thi tuyển vào đại học như bước đầu cho cuộc cải cách đại học toàn diện nhằm phục hưng tinh thần thời Minh Trị là “học để phục vụ đất nước”.

qDUe24pw.jpgPhóng to
Thủ tướng Abe (thứ hai từ phải sang) nhận các kiến nghị cải cách từ ông Toshiaki Endo, Hội đồng cải cách giáo dục do ông lập ra - Ảnh: Kyodo

Những thành tích đào tạo nhân tài của Nhật khiến nhiều quốc gia ngưỡng mộ. Năm nay, tạp chí Times Higher Education (Anh) lại xếp Đại học Tokyo (Nhật) vào vị trí quán quân trong danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á. Cách đây vài tháng, cái tên Shinya Yamanaka cũng được xướng lên trong lễ trao giải Nobel y học.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày một cao về trình độ nhân lực trong một xã hội toàn cầu hóa, Tokyo đang nỗ lực cải cách giáo dục bậc đại học theo những tư tưởng canh tân giáo dục từ thời Minh Trị.

“Học để làm gì?”

Trong bước đi đầu tiên, chính quyền Abe đã cho lập lại Hội đồng cải cách giáo dục quốc gia gồm 15 thành viên. Ông Abe nhấn mạnh: “Phục hưng giáo dục là ưu tiên hàng đầu, ngang với phục hưng kinh tế”.

Đó là câu hỏi nhức nhối hiện nay tại Nhật. Câu trả lời thực tế: có bằng cử nhân để xin việc làm tại các công ty, tập đoàn. Nhìn quanh, những người thành đạt trong xã hội Nhật đa số đều bước lên từ nấc thang đại học: từ Thủ tướng Abe tốt nghiệp Đại học Seikei danh giá đến cựu chủ tịch Hãng Toyota Toyoda Shoichiro tốt nghiệp Đại học Nagoya... Trong xã hội công nghiệp cạnh tranh như Nhật, “mảnh bằng” như giấy thông hành vào đời.

Bởi thế, khi tờ Japan Times ngày 7-6 đưa tin Bộ Giáo dục Nhật lên kế hoạch bỏ kỳ thi tuyển vào đại học trong năm năm tới, dư luận nước này không khỏi sửng sốt. Hình ảnh sĩ tử đổ xô đến các đền, chùa cầu nguyện trước ngày thi đại học đã quá quen thuộc với người dân Nhật mỗi năm khi tháng 1 về. “Phải đậu” trở thành một hi vọng và áp lực đối với cả phụ huynh lẫn học sinh. Với năm môn thi căng thẳng diễn ra trong hai ngày, cả xã hội “chìm vào im lặng” dõi theo các sĩ tử. Sau kỳ thi đại học, kết quả cuộc thi này sẽ được các đại học Nhật dùng làm “điểm sàn” để chọn thí sinh tham gia vòng thi riêng của từng trường diễn ra vào tháng 2 và 3. Hai “cửa ải” này khiến thí sinh mệt mỏi. Nay chính phủ cho biết sẽ tổ chức các vòng thi ngay từ bậc trung học phổ thông. Các đợt “kiểm tra thành tích” này diễn ra với tần suất 2-3 lần/năm. Học sinh chọn kết quả cao nhất trong các đợt thi để nộp nguyện vọng vào đại học.

Một nền giáo dục đại học không vì thương mại, tiêu chí đánh giá năng lực không bó hẹp trên thang đo tốt nghiệp từ các đại học danh giá... đang là điều mà những nhà hoạch định giáo dục Nhật hướng đến nhằm thay đổi quan niệm xã hội lâu nay. Trả lời câu hỏi “học làm gì?”, Okuma Shigenobu (1838-1922) - chính khách, nhà giáo dục nổi bật thời Minh Trị - cách đây 130 năm đã đưa ra ba định hướng cho giáo dục: “Phải tạo ra môi trường học thuật độc lập, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, đào tạo ra thế hệ nhân tài làm rường cột cho quốc gia”. Tuy nhiên, “tư tưởng” ấy nay mai một dần trở thành lựa chọn duy nhất: có bằng để được tuyển dụng.

“Học để cống hiến cho đất nước”

Ngay sau khi nhậm chức vào cuối tháng 12-2012, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã bắt tay vào cuộc cải cách giáo dục. Kyodo News nhận định “ông Abe là người ủng hộ mạnh mẽ tư tưởng cải cách giáo dục khi muốn sửa luật giáo dục theo hướng đặt trọng tâm vào giáo dục lòng yêu nước cho người học” và quay lại với tư tưởng chủ đạo thời Minh Trị: “Học để cống hiến cho đất nước”.

Trong thời đại toàn cầu hóa, ngoại ngữ là cánh cửa đầu tiên mở ra hội nhập với thế giới. Ông Abe đã đưa ra kế hoạch chi 11 tỉ USD nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh sinh viên, đồng thời đặt mục tiêu tăng số lượng tiến sĩ ngôn ngữ Anh lên 35.000 người vào năm 2020, làm lực lượng nòng cốt giảng dạy tiếng Anh tại các cấp học.

Nếu như thời Minh Trị, thiên hoàng từng cử những sinh viên giỏi sang du học ở các nước phát triển (như Anh, Mỹ...) để về xây dựng đất nước Nhật Bản thì trớ trêu thay, ngày nay những sinh viên du học lại bị “ghẻ lạnh” tại chính quê hương mình. Khảo sát của Công ty tuyển dụng Disco cho thấy chưa đến 40% công ty Nhật lên kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học nước ngoài. Tờ The Strait Times (Singapore) ngày 13-6 phản ánh thực trạng đau lòng này khi dẫn lời ông Nathaniel Pemberton thuộc Công ty tư vấn tuyển dụng Robert Walters tại Osaka (Nhật) nhận định: một số công ty Nhật lo ngại người tốt nghiệp đại học nước ngoài sẽ không hòa hợp được với văn hóa công ty hoặc không thành thạo tiếng Nhật. Công ty Nhật chú trọng văn hóa hơn chuyên môn.

ANH DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên