Phóng to |
Từ trái sang: các bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera (Nhật), Stephen Smith (Úc), Peter MacKay (Canada) và Chuck Hagel (Mỹ) gặp gỡ tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: Reuters |
Giáo sư Chikako Kawakatsu Ueki của ĐH Waseda (Nhật) đánh giá về chuyện các học giả vẫn kêu gọi phải nhượng bộ trong giải quyết xung đột đã nhận định như thế.
Việc các nước tăng cường xây dựng lực lượng hải quân ngày càng đẩy khu vực Tây Thái Bình Dương đến nguy cơ chạy đua vũ trang.
Đây là quan ngại mà các học giả nghiên cứu về biển Đông và khu vực này nêu ra trong cuộc họp báo chiều 31-5 nhân Đối thoại Shangri-La.
Dễ đẩy tới xung đột
Giáo sư Geoffrey Till của Trường King’s College ở London và là tác giả cuốn Asia’s Naval Expansion (Bành trướng hải quân ở châu Á) cảnh báo việc quốc tế hóa các xung đột ở khu vực như là “con dao hai lưỡi”.
Giải thích cho điều này là sự thay đổi tương quan về nguồn lực của các nước. Với sự thay đổi đó, các nước muốn có vị trí mới trong trật tự thế giới. “Các nước có tham vọng cả ở vùng biển gần và các vùng biển xa” - giáo sư Till nhận định. Thêm phần sôi động cho tình hình là sự chuyển hướng của Mỹ với chiến lược “tái cân bằng” trở lại ở châu Á - Thái Bình Dương.
Những thay đổi này có thể thấy rõ nhất trong việc Trung Quốc vừa đưa ra học thuyết mới về “Mô thức quan hệ mới giữa các cường quốc” như là trọng tâm chính sách đối ngoại của mình, thể hiện rõ khát khao của Trung Quốc về một trật tự thế giới mới với thực lực ngày càng tăng của mình.
Giáo sư Chikako Kawakatsu Ueki của ĐH Waseda (Nhật) trong khi đó đánh giá về chuyện các học giả vẫn kêu gọi phải nhượng bộ trong giải quyết xung đột. “Nhưng tôi có cảm giác càng nhượng bộ thì nguy cơ Trung Quốc càng thấy họ có khả năng lấn tới trong tương lai. Họ sẽ tiếp tục cứng rắn và chèn ép các nước khác trong các xung đột” - bà nói.
"Chi phí quốc phòng ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã lần đầu tiên vượt phương Tây trong mấy năm gần đây - lần đầu tiên xảy ra trong vòng 400 năm qua" |
Kiện Trung Quốc là “bước đi thông minh”
Ông Rommel C. Banlaoi, phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về Trung Quốc ở Philippines, cũng làm nóng buổi họp báo khi đặt vấn đề về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
“Trong trường hợp chúng tôi thua thì chúng tôi mất, chúng tôi chấp nhận điều đó. Nhưng nếu chúng tôi thắng thì sao? Chúng tôi sẽ được gì? Quốc tế lấy đâu ra lực lượng để ép Trung Quốc thực hiện các phán quyết của tòa? Liệu điều đó có xảy ra hay là chúng tôi sẽ vẫn phải tiếp tục đàm phán với họ từng tranh cãi một, từng vấn đề trên biển. Điều này chắc chắn là sẽ ảnh hưởng tới các nước liên quan trong vấn đề biển Đông khác” - ông Banlaoi nêu vấn đề.
Đáp lại, ông Christian Le-Miere, đồng tác giả cuốn sách Regional disorder: The South China sea disputes (Bất ổn khu vực: các mâu thuẫn ở biển Đông) cho rằng việc kiện Trung Quốc ra tòa là “bước đi thông minh” vì “đã khiến Trung Quốc phải mất mặt”.
Theo ông Le-Miere, các nước nên tiếp tục làm điều này vì “Trung Quốc mất mặt” khiến Bắc Kinh phải hành động, nhượng bộ hơn. “Vụ kiện cũng biến các tranh cãi từ tranh cãi chứng cứ lịch sử giữa các bên chuyển sang tranh cãi về mặt pháp lý, có cơ sở hơn” - ông giải thích.
Ông Le-Miere cho rằng dù có cạnh tranh về quân sự, một cuộc chạy đua vũ trang công khai ở khu vực vẫn chưa thật sự diễn ra. Trong tranh chấp, các nước cũng đều tránh không nêu tên các nước đối thủ một cách công khai.
Dù vậy, ông Le-Miere cảnh giác về chuyện chủ nghĩa dân tộc dâng cao ở các nước, đặc biệt là trên các mạng xã hội, nơi công dân các nước chỉ trích chính phủ mình về cách hành động đối phó với các tranh chấp, điều giới hạn khả năng các nước nhượng bộ trong đàm phán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận