31/05/2013 07:55 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La

THANH TUẤN (từ Singapore)
THANH TUẤN (từ Singapore)

TT - Đối thoại Shangri-La - diễn đàn an ninh, quốc phòng quan trọng bậc nhất khu vực châu Á - khai mạc hôm nay 31-5. Lần đầu tiên trong lịch sử diễn đàn, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng với tư cách là diễn giả chính.

w8tgebYy.jpgPhóng to
Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Mỹ USS Nimitz trên biển Đông hôm 23-5. Các quan chức Mỹ khẳng định Washington sẽ đưa những loại vũ khí tối tân nhất đến châu Á - Ảnh: Reuters

Được thành lập từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La là diễn đàn đối thoại quốc phòng, an ninh đáng chú ý bậc nhất khu vực. Đây cũng là kênh đối thoại quan trọng cho quan chức quốc phòng các nước trong quá trình xây dựng niềm tin cũng như trao đổi các thách thức của khu vực.

Điều đó giải thích tại sao bộ trưởng quốc phòng các nước quan trọng như Mỹ và ba cường quốc của châu Âu là Pháp, Đức, Anh năm nay đều có mặt. Bên cạnh đó cũng sẽ có sự tham dự của gần 350 học giả, chuyên gia quốc phòng hàng đầu khu vực.

Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã đến Singapore hôm qua. Theo chương trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel bên lề Đối thoại Shangri-La lần này.

Trong bối cảnh an ninh khu vực đang đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc, kéo theo đó là các căng thẳng an ninh ở biển Đông và ở biển Hoa Đông, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được hi vọng sẽ mang tính định hướng cho hội nghị, đặc biệt là về các vấn đề như xây dựng lòng tin chiến lược giữa các nước lớn, vấn đề an ninh trên biển cũng như vai trò của ASEAN.

Theo chương trình nghị sự, các phiên toàn thể sẽ đề cập nhiều vấn đề như: định hướng chính sách của Mỹ về an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, đề phòng xung đột; hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; những xu hướng mới của an ninh châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường hợp tác quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Một quan tâm nữa của Đối thoại Shangri-La lần này là việc Mỹ sẽ tiếp tục chiến lược xoay trục và tái cân bằng ở châu Á như thế nào. Đã có những lo ngại về cam kết thật sự của Mỹ với khu vực khi ngân sách quốc phòng của Mỹ năm nay bị cắt giảm tới gần 10%. Mối quan tâm của Mỹ tới khu vực cũng bị đặt dấu hỏi khi trong các cuộc khủng hoảng gần đây, vai trò của Mỹ tương đối mờ nhạt.

Các đồng minh, đặc biệt là Nhật, đã tỏ ý lo ngại về cam kết thật sự của Mỹ trong các cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên cũng như quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ ngày 1-6 sẽ có bài phát biểu liên quan tới những vấn đề này.

Thế nhưng ngay trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-La, đại diện Lầu Năm Góc đã cho biết Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel tái khẳng định việc Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách chuyển hướng sang châu Á - Thái Bình Dương.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 28-5 tuyên bố năm ngoái Bộ trưởng quốc phòng Panetta đã đưa ra định hướng chiến lược mới, còn năm nay sẽ là hành động thật sự. Chi tiết của hành động và các chuyển biến sẽ được ông Hagel công bố tại diễn đàn năm nay.

Trả lời phỏng vấn báo Asahi, Mark Lippert, trợ lý đặc biệt của ông Chuck Hagel, cho biết Mỹ đang xem xét nghiêm túc những thách thức từ Trung Quốc và một loạt các nước ở châu Á - Thái Bình Dương. Washington không chỉ tuyên bố về việc triển khai 60% hạm đội hải quân của mình sang Thái Bình Dương mà còn “chuyển những vũ khí tối tân nhất” như tàu ngầm tấn công và máy bay tàng hình thế hệ mới nhất đến khu vực này.

“Đó không chỉ là phân chia 60/40, mà chúng tôi còn chuyển những vũ khí tối tân nhất tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đảm bảo duy trì được lợi thế quân sự của chúng tôi” - ông Lippert nhấn mạnh.

Ông cho biết các tàu ngầm tấn công nhanh thế hệ Virgina, các máy bay chiến đấu thế hệ 5 với hệ thống siêu thanh nâng cấp, tên lửa hành trình cũng như lực lượng hải quân sẽ được triển khai tới khu vực. Cùng với việc quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan, Mỹ có khả năng triển khai thêm quân bộ cũng như các lực lượng đặc nhiệm để đối phó với thách thức từ Trung Quốc.

Dù vậy, ông Lippert nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng của Mỹ tới châu Á cuối cùng sẽ vẫn là “chiến lược về chính trị và kinh tế”, trong đó an ninh là quan trọng nhưng nhỏ hơn.

THANH TUẤN (từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên