27/05/2013 15:00 GMT+7

Thông báo sự cố nhiễm phóng xạ chậm, quan chức Nhật xin lỗi

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Satoru Kondo, giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học hạt nhân thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAXA), xin lỗi người dân vì chậm báo cáo sự cố rò rỉ phóng xạ xảy ra tại một phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân ở quận Ibaraki ngày 23-5.

PAn8e2NZ.jpgPhóng to

Các chuyên gia kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ một bé trai sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại Fukushima năm 2011 - Ảnh: AFP

JAXA xác nhận tính đến ngày 26-5, số nhà khoa học bị nhiễm phóng xạ tại Trung tâm nghiên cứu máy gia tốc hạt proton năng lượng cao Nhật Bản (J-PARC) ở Tokaimura, cách thủ đô Tokyo 110km về hướng đông bắc, lên đến 30 người, bao gồm 28 nam và 2 nữ.

Sự cố trên xảy ra lúc 11g55 sáng 23-5 (giờ địa phương) nhưng hơn 30 tiếng sau đó người dân mới được biết.

“Chúng tôi thành thật xin lỗi - ông Kondo nói trong một buổi họp báo - Sự cố trên xảy ra do máy móc bất ngờ gặp trục trặc”.

Một quan chức khác của JAXA, cơ quan điều hành trung tâm nghiên cứu trên, cũng khẳng định sự cố này nằm ngoài dự kiến.

Theo báo Nhật Asahi Shimbun, các quan chức địa phương đã xác nhận vị trí của thiết bị gây rò rỉ phóng xạ và xác định danh tính các nạn nhân bị phơi nhiễm.

Ông Kondo cũng thừa nhận phòng thí nghiệm đã không thực hiện các biện pháp an toàn, chẳng hạn như lắp đặt thiết bị lọc trong các quạt gió để ngăn chất phóng xạ rò rỉ ra bên ngoài.

Taichi Mirua, trưởng bộ phận an toàn tại J-PARC, nói trong buổi họp báo rằng cách họ đối phó với khả năng rò rỉ phóng xạ là “quá lỏng lẻo”.

Báo Asahi Shimbun cho biết khi các nhà khoa học đang bắn các tia proton vào vàng để tạo ra các hạt sơ cấp hay còn gọi là hạt cơ bản, thì cường độ của các tia này cao gấp 400 lần bình thường khiến vàng bốc hơi, qua đó chất phóng xạ bị rò rỉ.

Nguyên nhân của sự cố trên được quy cho một lỗi kỹ thuật xảy ra trong hệ thống cung cấp năng lượng. Vào thời điểm xảy ra sự cố, khoảng 55 người đứng gần thiết bị gây rò rỉ phóng xạ và kết quả kiểm tra y tế cho thấy 30 người trong số đó bị phơi nhiễm phóng xạ.

Trước đó, 4 nhà khoa học trong số 30 người trên hít vào người một lượng phóng xạ lên đến 1.6 millisievert, tương đương mức phóng xạ mà những người sống ở Nhật Bản phải hít vào mỗi năm.

Theo quy định của luật pháp Nhật Bản, ngưỡng tiếp xúc phóng xạ an toàn của công nhân làm việc tại các nhà máy hạt nhân hằng năm trong điều kiện hoạt động bình thường là 50 millisieverts.

Sự cố trên nhấn mạnh một thực tế rằng Nhật vẫn đang khổ sở giải quyết các vấn đề an toàn hạt nhân sau “thảm họa hạt nhân Fukushima” năm 2011. Hiện người Nhật vẫn tranh cãi kịch liệt có nên tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân thương mại hay không.

Theo Reuters, hiện tại Nhật chỉ có hai (trong số 50) lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, số còn lại đang chờ được kiểm tra an toàn kể từ sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, phía bắc Tokyo.

Tokaimura là nơi nền công nghiệp điện hạt nhân thương mại của Nhật Bản ra đời vào những năm 1950 và cũng là nơi xảy ra tai nạn hạt nhân nghiêm trọng khiến hai người chết ở nhà máy tái chế uranium Tokaimura vào năm 1999.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên