Hàng trăm thanh niên đốt phá xe hơi và tấn công cảnh sát trong cuộc bạo động kéo dài bốn ngày liên tiếp tại ngoại ô thủ đô Stockholm, ảnh hưởng đến hình ảnh xứ sở yên bình và thịnh vượng Thụy Điển.
Phóng to |
Cảnh sát canh gác xung quanh một căn hộ bị nhóm thanh niên đốt phá - Ảnh: AFP |
Phóng to |
Một chiếc xe bị đốt ở vùng Kista, ngoại ô thủ đô Stockholm - Ảnh: Reuters |
Phóng to |
Lính cứu hỏa dập tắt một chiếc xe bị nhóm bạo động châm lửa đốt - Ảnh: AFP |
Vùng xảy ra bạo động là các khu ngoại ô của Stockholm - nơi nhiều người nhập cư sinh sống. Bất chấp lời kêu gọi bình tĩnh của Thủ tướng Fredrik Reinfeldt, người dân chờ đến khi đêm xuống để bắt đầu hành động, đổ ra đường ném đá, đập phá cửa hàng, trường học, trung tâm nghệ thuật, đốt xe hơi, xung đột với cảnh sát...
Ngày 23-5, bạo động lan ra từ miền bắc của Stockholm đến miền nam. Theo báo The Local (Thụy Điển), đến ngày 23-5 ít nhất 15 vùng ngoại ô xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và người dân.
Hãng tin Reuters cho biết một đồn cảnh sát bị châm lửa đốt ở vùng ngoại ô Ragsved. Đám cháy nhanh chóng được dập tắt và không ai bị thương sau vụ hỏa hoạn. Cảnh sát đã bắt một số người liên quan. “Có thể chúng tôi phải triển khai lực lượng nhiều hơn vào đêm nay” - người phát ngôn của cảnh sát Stockholm, bà Towe Hagg, cho biết.
Cuộc bạo động ở Thụy Điển không nghiêm trọng bằng cuộc bạo động trong hai mùa hè vừa qua ở Anh hay Pháp. Tuy nhiên cho thấy ngay cả tại những nước không bị ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng tài chính thì các chính sách thắt lưng buộc bụng luôn khiến người nghèo - đặc biệt là người nhập cư - chịu hậu quả nặng nề nhất. |
Nguyên nhân của cuộc bạo động được cho là để trả thù và bày tỏ phẫn nộ trước "hành động tàn bạo" của cảnh sát, khi một người nhập cư 69 tuổi ở Husby bị cảnh sát bắn chết vào cuối tuần qua vì ông này đe dọa tấn công cảnh sát bằng dao. Người dân khẳng định sẽ không dừng lại cho đến khi chính quyền mở cuộc điều tra toàn diện về sự việc này.
Ông Selcuk Ceken, nhân viên một trung tâm thanh niên, cho biết lực lượng chính tham gia bạo động là những thanh niên khoảng 20 tuổi, các hoạt động dường như được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
“Khó mà lý giải được nguyên nhân. Có thể họ giận dữ vì luật pháp và lực lượng hành pháp, hoặc tự giận dữ với chính bản thân mình trong hoàn cảnh hiện tại như thất nghiệp hay không có nơi nào để sống” - ông Ceken nói với Reuters.
Qua những vụ bạo động, sự tự hào về một nền xã hội công bằng cùng thái độ chào đón người nhập cư của Thụy Điển cũng bị ảnh hưởng. “Lý do rất đơn giản: thất nghiệp, vấn đề nơi ở, sự thiếu tôn trọng từ cảnh sát. Họ chỉ cần một lý do để bắt đầu, và đó là vụ bắn người của cảnh sát” - biên tập viên Rouzbeh Djalaie báo địa phương Norra Sidan nói.
Theo ông Djalaie, thanh niên tại những khu nhập cư thường bị cảnh sát yêu cầu kiểm tra giấy tờ một cách không cần thiết. Trong cuộc bạo động, ông còn nghe thấy cảnh sát gọi những thanh niên này là “bọn khỉ”.
“Tôi hiểu vì sao nhiều người ở những vùng ngoại ô này lo lắng, thất vọng và giận dữ. Bị xã hội làm ngơ là một nguyên nhân rất quan trọng của nhiều vấn đề” - Bộ trưởng Tư pháp Beatrice Ask nói.
Dù tiêu chuẩn sống tại Thụy Điển vẫn trong mức cao nhất châu Âu, nhưng các chính quyền hiện tại chưa thể giảm tỉ lệ thất nghiệp và đói nghèo tại Thụy Điển hiệu quả đối với cộng đồng người nhập cư. Tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Husby là 6%, gấp đôi mức trung bình ở các nơi khác trong thủ đô. Tỉ lệ thất nghiệp của người bản địa và người nhập cư cũng có khoảng cách lớn: 6% và 16%.
Aftonbladet - một trong những tờ báo lớn nhất Thụy Điển - gọi các cuộc bạo động là “thất bại khổng lồ” của chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận