Phóng to |
Để nhận được khoản cứu trợ 10 tỉ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm đưa đất nước ra khỏi bờ vực phá sản, Cyprus phải đồng ý với điều kiện tự huy động 5,8 tỉ USD. Để làm được điều này ban đầu, chính phủ dự định đánh thuế lên tất cả khoản tiền gửi ngân hàng.
Ngay lập tức, kế hoạch vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía dư luận, buộc Cyprus phải thay đổi thỏa thuận cho vay. Theo đó, chính phủ chỉ đánh thuế lên tới 60% đối với những người gửi tiền trên 100.000 euro tại Ngân hàng Cyprus.
Tuyên bố đưa ra trong ngày 2-4, ông Michael Sarris cho hay ông đã hoàn thành việc thỏa thuận với các bên cho vay và quyết định từ chức để “tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra”.
Trước đó, Tổng thống Cyprus Anastasiades Nicos đã ra lệnh mở một cuộc điều tra nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng nước này. Ông Michael Sarris và một số quan chức nằm trong danh sách các đối tượng bị điều tra lần này.
Báo cáo từ các phương tiện truyền thông địa phương cho hay hiện tổng thống đã chấp thuận đơn từ chức của ông Sarris và Bộ trưởng lao động Haris Georgiades tạm thời được chỉ định thay thế vị trí còn trống do ông Sarris để lại.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính Cyprus ký một sắc lệnh nâng cao mức trần cho các giao dịch tài chính, vốn thuộc diện không phải qua sự phê duyệt của ngân hàng trung ương, từ mức 5.000 euro lên đến 25.000 euro. Sắc lệnh đồng thời cho phép việc sử dụng séc trị giá lên tới 9.000 euro mỗi tháng.
Theo Reuters, động thái trên phần nào nới lỏng sự kiểm soát tiền tệ chặt chẽ thời gian gần đây của chính phủ. Trước đó, Cyprus đã hạn chế việc rút tiền mặt từ các ngân hàng ở mức tối đa 300 euro/ngày và người dân chỉ có thể mang theo 1.000 euro tiền mặt ra khỏi đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận