Phóng to |
Hai ứng viên chính của cuộc đua giành ghế thị trưởng Bangkok: tướng Pongsapat Pongcharoen (phải) và cựu thị trưởng Sukhumbhand Paribatra - Ảnh: Reuters |
Đây không chỉ là bầu cử đầu tiên kể từ cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2010 làm 90 người thiệt mạng và hơn 1.700 người bị thương, mà còn do cuộc bầu cử thị trưởng ngập chìm trong sự tranh giành chính trị quyết liệt giữa đảng cầm quyền và Đảng Dân chủ đối lập.
Theo ghi nhận của cộng tác viên Tuổi Trẻ, từ sáng sớm chủ nhật Bangkok đã nhộn nhịp hẳn bởi lượng người đi bầu cử ước tính chiếm khoảng 70% số người có quyền bỏ phiếu. Khác với 76 tỉnh khác, cư dân Bangkok được quyền bầu trực tiếp thị trưởng của mình.
Hai ứng cử viên, hai đảng vào cuộc
Từ một tuần trước, Bangkok như sống trong một cuộc chiến “giành lấy kinh đô” theo mô tả của các phương tiện truyền thông Thái Lan và các kỹ xảo thu hút phiếu bầu. Người Bangkok đã rạo rực và hồi hộp cho cuộc chiến này. Trong những ngày trước ngày bầu cử (3-3), người ủng hộ ra sức kêu gọi bạn bè và người thân ghi điểm cho ứng cử viên của mình.
Trong ngày bầu cử, báo chí và truyền thông quốc tế tập trung tại các điểm bầu cử trọng điểm như quận Bungklum, Trường học Wat Klonglamjiab - nơi Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đi bầu vào lúc 10g, quận Wattana, Trường học Sawasdee Wittaya - nơi lãnh đạo Đảng Dân chủ Abhisit đi bầu cùng gia đình lúc 9g hay quận Bangplad, Trường học Pimlawit - nơi tên của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng xuất hiện trên danh sách cử tri cùng các con. Ủy ban bầu cử giải thích cựu thủ tướng Thaksin có đủ tư cách để đi bầu.
Cuối cùng, người Bangkok chọn đảng đối lập Dân chủ vào vị trí nắm quyền điều hành thủ đô 10 triệu dân với khoản ngân sách không dưới 6 tỉ baht/năm, để giải quyết các vấn nạn nghiêm trọng như kẹt xe, rác thải, ô nhiễm kênh rạch, việc làm cho người nhập cư, vỉa hè bị chiếm dụng, giá cả tăng cao và lạm phát không ngừng.
Tranh giành kinh đô
Có tất cả 25 ứng cử viên cho một vị trí quan trọng là thị trưởng. Tuy nhiên, cuộc đua vào giờ chót chỉ còn tập trung vào hai ứng cử viên nổi bật là số 16 - nguyên thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra, đại diện cho Đảng Dân chủ đối lập và số 9 - nguyên phó tổng tư lệnh cảnh sát Thái Lan, đại tướng Pongsapat Pongcharoen, đại diện cho đảng cầm quyền Pheu Thai.
Ngày 2-3, trên trang 1 của mình, báo Thairath đăng tít lớn cùng hình ảnh trái ngược của hai ứng cử viên: “Sukhumbhand nước mắt lưng tròng, xin cơ hội được tiếp tục ở lại trên vị trí của mình” và “Pongsapat tiếp tục tiến tới, tiếp xúc cử tri tại khu cư xá cảnh sát quốc gia”.
Đảng Dân chủ nắm giữ Bangkok trong chín năm qua nhưng nay đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Đảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck trong cuộc bầu cử vốn sẽ quyết định tương quan chính trị giữa hai đảng. “Cuộc cạnh tranh lần này rất căng và quan trọng chứ không chỉ đơn giản chọn một thị trưởng cho thành phố” - ứng viên Paribatra nhận định. Trên báo The Nation, nhà khoa học chính trị Titiplol Phakdeewanich thuộc Đại học Ubon Ratchathani cũng cho rằng cuộc bầu cử thị trưởng Bangkok phản ảnh vai trò đầu tàu của thủ đô, vốn ảnh hưởng đến tương lai chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước. “Sự quan tâm không chỉ giới hạn trong những ai được đi bỏ phiếu, bởi người Thái trên toàn quốc đều nhận thấy những vấn đề liên quan đến Bangkok cũng liên quan đến họ” - chuyên gia Titiplol nhận định.
Trước đó, các lãnh đạo Đảng Dân chủ đã lên tiếng thuyết phục người dân bầu cho số 16 khi nhấn mạnh Bangkok là kinh đô quan trọng của cả nước, lá chắn cuối cùng, không thể bị thâu tóm hết vào tay đảng cầm quyền Pheu Thai. Nghiêm trọng hơn, họ ví cuộc bầu cử lần này như cuộc chiến bảo vệ kinh đô cổ thời vương quốc Auyuthaya với giặc ngoại xâm. Trên Facebook của các cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ cũng tràn lan những lời kêu gọi “Bảo vệ Bangkok”, “Người Thái không thể mất kinh đô”, cùng với những hình ảnh gợi nhớ đến vụ cháy Central World cách đây ba năm do vụ biểu tình của phe áo đỏ, nhằm hạ uy tín ứng cử viên số 9.
Ngược lại với sự căng thẳng trong phe Dân chủ, ứng cử viên số 9, trong lần diễn thuyết cuối cùng ngày 1-3, lại tỏ ra từ tốn và tự tin khi tuyên bố: “Ở đâu có người dân đang chịu khổ sở, ở đó là nơi làm việc của tôi. Khi nào người dân còn gặp nạn, cần sự giúp đỡ, cần sự sẻ chia, khi đó tôi còn làm việc bất kể thời gian”. Ông Pongsapat nhấn mạnh nếu ông ngồi vào chiếc ghế thị trưởng, đồng nghĩa với việc quản lý sẽ thu về một mối là Đảng Pheu Thai, sẽ giúp Bangkok phối hợp trơn tru hơn với chính quyền trung ương về các quyết sách. “Tôi tin tướng Pongsapat sẽ chiến thắng và sẽ được công chúng đón nhận” - bà Yingluck tuyên bố khi tham gia cuộc diễu hành rầm rộ của Đảng Pheu Thai ngày 2-3 để ủng hộ cho ứng viên đảng nhà. Giới phân tích cũng nhận định với sự ủng hộ của đông đảo thành phần nông dân và dân nghèo thành thị, cơ hội chiến thắng cho số 9 ngày càng lớn tại thủ đô vốn từ lâu được coi là “lãnh thổ của Đảng Dân chủ”.
“Ngay bây giờ, người dân muốn Bangkok là một thành phố dễ sống hơn và muốn một hệ thống đi lại, không gian công cộng tốt hơn và hệ thống giao thông thay thế như xe đạp - chuyên gia Prinya Thewanaruemitkul thuộc Đại học Thammasat ở Bangkok cho biết - Nhưng cuối cùng chính trị quốc gia sẽ là yếu tố quyết định”.
Cựu thị trưởng Bangkok tuyên bố chiến thắng Tối 3-3, cựu thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra thuộc Đảng Dân chủ tuyên bố giành chiến thắng sau khi kết quả kiểm phiếu lúc 19g15 cho thấy ông giành số phiếu kỷ lục hơn 1,25 triệu phiếu. Ứng viên Pongsapat Pongcharoen của Đảng Pheu Thai thừa nhận thất bại dù thăm dò trước đó khẳng định ông sẽ thắng. Giới phân tích nhận định chiến thắng của ông Paribatra cho thấy cử tri lo sợ gia đình cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra nắm quá nhiều quyền lực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận