17/02/2013 06:56 GMT+7

12 giờ, 2 thiên thạch xẹt qua địa cầu

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Các nhà thiên văn và cả nhân loại cuối cùng đã có thể thở phào. Tiểu hành tinh 2012 DA 141 có kích thước to bằng một sân bóng chỉ bay ngang qua khí quyển Trái đất vào 19g25 GMT ngày 15-2 (rạng sáng 16-2, giờ VN).

Dù “chuyến thăm” của tảng đá trời nặng khoảng 135.000 tấn này đã được theo dõi từ một năm qua, nó vẫn khiến giới quan sát thót tim khi chỉ bay cách Trái đất 27.700km. Đây là khoảng cách gần nhất mà một tiểu hành tinh có kích thước như trên bay qua Trái đất trong hơn 30 năm trở lại đây.

Nga: thiên thạch nổ, gần 1.000 người bị thương

CAexK2Kv.jpgPhóng to

Ông Walter Cavin, 84 tuổi, khoe một mẩu thiên thạch. Người dân khu vực Chelyabinsk (Nga) đang đổ xô lùng tìm các mẩu thiên thạch còn sót lại sau vụ nổ ngày 15-2. Trên một trang mạng đấu giá, một người tên Vladimir đã rao bán viên thiên thạch của mình với giá khởi điểm là 50 USD - Ảnh: Gaston gazette

Mạnh như hàng trăm quả bom hạt nhân

Viễn cảnh một tiểu hành tinh cỡ DA 141 đâm vào địa cầu được cho là sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều so với “mẩu” thiên thạch rơi xuống Nga 12 giờ trước đó. Với tốc độ bay 13 km/giây, nó có thể tạo ra sức mạnh tương đương hàng trăm quả bom hạt nhân. “DA 141 - gồm thành phần đá, kim loại và băng - khi đâm xuống Trái đất sẽ tạo ra một hố lớn, dễ dàng làm mất dạng cả một thành phố” - ông K. T. Ramesh, chuyên gia hành tinh học ở Đại học Johns Hopkins (Mỹ), bình luận.

Chưa kể, nhiều khả năng nó có thể gây ra một cuộc chiến nếu quốc gia bị thiên thạch rơi xuống cho đó là một sự tấn công vũ trang. Tại Nga, ngay sau vụ nổ thiên thạch đã xuất hiện nhiều tin đồn rằng đây là một tên lửa của Trung Quốc hoặc một vụ thử vũ khí của Mỹ!

Thiên thạch rơi xuống khu vực Chelyabinsk (Nga) lúc 9g20 ngày 15-2 (giờ địa phương) được xác định là mẩu thiên thạch nhỏ có thành phần từ sắt. Khi rơi vào Trái đất, nó di chuyển với tốc độ 30km/giây trước khi phát nổ ở độ cao 30-50km, tạo ra tiếng nổ inh tai và quả cầu sáng chói lòa nhìn thấy từ cách xa 200km. Các cơ quan vũ trụ cho biết thiên thạch này chỉ lớn hơn gấp đôi một chiếc xe hơi nhưng sức công phá đo được từ vụ nổ tương đương 300.000 tấn thuốc nổ TNT, hay 20 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật năm 1945, theo RIA Novosti.

Trong số 1.200 người bị thương có 200 trẻ em, nhưng phần lớn nạn nhân chỉ bị thương nhẹ. Ngoài ra, chấn động từ vụ nổ phá vỡ tường và cửa kính của hơn 3.000 ngôi nhà, làm gián đoạn mạng di động. Chính quyền địa phương ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu USD. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết điều may mắn là không mảnh vỡ nào của thiên thạch rơi xuống khu vực đông dân cư. Ông đã yêu cầu Bộ Tình trạng khẩn cấp xem xét cách thức để cảnh báo công dân về những sự kiện như thế này.

Trong khi đó, Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết quả cầu lửa ở Nga là vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong hơn 100 năm qua kể từ sau khi một thiên thạch cực lớn rơi xuống Tunguska (vùng Siberia, Nga), san bằng hơn 80 triệu cây cối trong khu vực rộng 2.000 km2 (năm 1908). Lý giải về cú đáp bất ngờ của thiên thạch ở Nga, giới khoa học cho biết rất khó dự đoán được đường đi của các thiên thạch, chưa kể có vô số những hòn đá cỡ nhỏ như trên. “Nếu tính một thiên thạch cỡ như thiên thạch rơi xuống Nga, chúng ta phải để mắt đến cả 100 triệu thiên thạch. Còn những thiên thạch có khả năng va chạm với Trái đất vào khoảng 100.000” - chuyên gia K. T. Ramesh giải thích.

Giới khoa học Nga cho biết trong hai thế kỷ 19 và 20, trên thế giới đã có hàng trăm lần mưa thiên thạch, nhưng thường xảy ra ban đêm và không gây thiệt hại lớn về người và của. Nhưng các chuyên gia nói rằng việc thiên thạch trên, với kích cỡ ước tính vài chục tấn, rơi xuống Trái đất cũng là sự kiện hết sức hiếm hoi và tác động thương vong mà nó mang lại là chưa có tiền lệ.

Khó nhìn trước

Theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, NASA đã bắt đầu theo dõi các vật thể gần Trái đất có bán kính từ 1km trở lên nhằm cho phép các nhà khoa học và kỹ sư có thời gian đánh giá khả năng va chạm giữa các vật thể này với Trái đất, theo đó tính toán việc gửi phi thuyền hoặc các giải pháp khác để chuyển hướng các vật thể trên. Tuy nhiên, chỉ 10% các tiểu hành tinh như DA 141 được phát hiện trong thời gian qua.

Reuters dẫn lời nhà khoa học Paul Chodas của NASA cho biết: “Những vật thể nhỏ như trên rất khó nhìn thấy cho đến khi chúng đến gần Trái đất. Những vật thể như thiên thạch rơi xuống Nga hầu như không thể thấy trước được bởi các kính viễn vọng phải tìm kiếm các thiên thạch trong vũ trụ tối đêm”.

Nói về khả năng tiêu diệt các thiên thạch có nguy cơ va chạm với Trái đất, nhóm nhà vật lý thuộc Đại học California Santa Barbara trên trang space.com đưa ra kế hoạch phát triển hệ thống làm bốc hơi thiên thạch bằng tia laser. “Đây không phải ý tưởng viển vông như trong phim Star Trek. Tất cả các thành phần của hệ thống này đã có sẵn, chỉ là chưa đạt được quy mô mà chúng ta cần, nhưng căn bản là đã sẵn sàng” - nhà nghiên cứu Gary B. Hughes khẳng định.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên