Đã đến lúc Hà Lan phải hành động sau lời tuyên chiến của Liên minh châu Âu (EU).
Phóng to |
Tranh của Kazanevsky phê phán chuyện né thuế đăng trên báo CI, Pháp |
Theo Hãng tin Bloomberg, các nghị sĩ Hà Lan thuộc nhiều đảng phái khác nhau đều khẳng định cần phải xóa đi cái tiếng xấu này cho quốc gia. “Chúng ta không thể cứ mãi là một thiên đường né thuế - nghị sĩ Ed Groot thuộc Công Đảng cầm quyền tuyên chiến - Các tập đoàn nước ngoài đang bôi bẩn cái tên Hà Lan. Nếu chần chờ, chúng ta sẽ bị cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt và đó là điều không ai muốn”.
Tháng trước, EU đã tuyên chiến với nạn trốn thuế và né thuế khiến EU thiệt hại 1.000 tỉ euro (1.340 tỉ USD) mỗi năm. EU yêu cầu các nước thành viên, trong đó có Hà Lan, phải thực hiện các biện pháp chống né thuế.
Tập đoàn nhà nước cũng né thuế!
Theo báo Wall Street Journal, hiện rất nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận ra nước ngoài qua ngả... Hà Lan. Có thể kể đến các tập đoàn công nghệ Mỹ như Apple, Google, Microsoft, Facebook, Oracle... Tháng 12-2012, Google bị phát hiện chuyển 10 tỉ USD từ chi nhánh tại Ireland qua Hà Lan tới Bermuda, một thiên đường trốn thuế khét tiếng, qua đó né được mức thuế cao ở Mỹ.
Nhiều tập đoàn lớn của Pháp cũng né thuế qua ngả Hà Lan. Báo Hà Lan Het Financieele Dagblad mới đây đã thực hiện một phóng sự điều tra, trong đó nêu đích danh các tập đoàn lớn của Pháp như EDF, GDF Suez, France Télécom, EADS và Thale... đều thành lập “đơn vị tài chính đặc biệt” ở Hà Lan để chuyển lợi nhuận qua con đường này. Khoảng 20 tập đoàn Pháp có doanh thu hơn 2 tỉ euro (2,7 tỉ USD), trong đó nhiều tập đoàn do Nhà nước Pháp nắm cổ phần chiến lược, đều có “đơn vị tài chính” ở Hà Lan. Sau cuộc điều tra của tờ báo Hà Lan này, nghị sĩ Eric Boquet (thuộc Đảng Cộng sản Pháp) đã lên tiếng tố cáo lúc này ngay nhà nước cũng đang tự né thuế ở nước ngoài. “Chúng ta toàn là giả dối” - ông phản ứng. Năm ngoái, ông Eric Boquet đã lãnh đạo một ủy ban của quốc hội để điều tra về nạn né thuế và trốn thuế.
Một tập đoàn đa quốc gia như Google thường có quyền bán hoặc cấp phép bản quyền sở hữu trí tuệ cho một công ty con của chính hãng này ở nước ngoài, thường là quốc gia có mức thuế doanh nghiệp rất thấp như Ireland. Khi đó, lợi nhuận thu được ở nước ngoài của hãng thuộc về công ty con ở Ireland. Sau đó, công ty này sẽ chuyển lợi nhuận từ Ireland sang Bermuda, nơi mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 0%.
Để đưa lợi nhuận tới Bermuda, tập đoàn trên phải chuyển tiền qua ngả trung gian là Hà Lan. Tại Hà Lan, tập đoàn này lập một “đơn vị tài chính đặc biệt”, thường chỉ tồn tại trên giấy tờ để phục vụ việc chuyển tiền. Tại sao lại là Hà Lan? Bởi tại Hà Lan các công ty không phải đóng thuế khi chuyển thu nhập tới và đi khỏi quốc gia châu Âu này, dù điểm đến là đâu đi chăng nữa. Từ Hà Lan, hàng tỉ USD chảy tới Bermuda và “yên nghỉ” tại đó.
Theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương Hà Lan, trong năm 2010 các tập đoàn đa quốc gia đã chuyển 10.200 tỉ euro (gần 13.600 tỉ USD) lợi nhuận qua 14.300 “đơn vị tài chính đặc biệt” ở Hà Lan để né thuế. “Chúng ta kết nối các thiên đường né thuế - Bloomberg dẫn lời nghị sĩ Hà Lan Arnold Merkies thuộc Đảng Xã hội - Chúng ta đóng một vai trò tiêu cực và phải có trách nhiệm với thế giới”.
Không dễ chống né thuế
Tất nhiên, việc hỗ trợ né thuế cũng đem lại nhiều lợi ích cho Hà Lan. Bloomberg cho biết theo khảo sát của Hãng tư vấn Hà Lan SEO Economic Research, ngành công nghiệp này đem lại cho Hà Lan khoảng 1 tỉ euro (1,3 tỉ USD) tiền thuế và tạo ra 3.500 công ăn việc làm.
Các công ty Hà Lan như Intertrust Group Holding SA và TMF Group thành lập các “thùng thư cá nhân” cho các tập đoàn đa quốc gia, đặt các “đơn vị tài chính đặc biệt” này ở các địa chỉ hào nhoáng như những tòa cao ốc tại trung tâm thủ đô Amsterdam. Chẳng ai làm việc tại các “đơn vị tài chính” này bởi các tập đoàn đa quốc gia chỉ cần chúng tồn tại trên giấy tờ để chuyển lợi nhuận.
“Hiện chính phủ nhiều nước đang cắt giảm chi tiêu, sa thải giáo viên, cảnh sát, lính cứu hỏa... Đó là những chi tiêu mà người dân mong muốn nhà nước tăng cường - chuyên gia Robert Goulder thuộc trang web TaxAnalyst.com cho biết - Do đó công chúng rất khó chấp nhận việc các tập đoàn khổng lồ không đóng thuế một cách công bằng và sòng phẳng”.
Tất nhiên, các tập đoàn đa quốc gia đã phản ứng khi nhấn mạnh rằng họ không hề làm gì phi pháp. Quả thật là như vậy, bởi các tập đoàn chỉ đơn giản lợi dụng kẽ hở của luật pháp để né thuế. Tuy nhiên, sự giận dữ đang lan rộng ở châu Âu. Ngoài Hà Lan, hiện Ireland, Pháp, Anh đang xem xét chiến lược chống né thuế. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế đang thảo luận biện pháp gây khó cho các tập đoàn đa quốc gia khi chuyển lợi nhuận qua đường Hà Lan để tới các thiên đường né thuế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính nhận định sẽ rất khó để chính phủ các nước và EU sớm áp dụng luật chống né thuế hiệu quả. “EU sẽ phải cải tổ dữ dội hệ thống chính sách thuế. Đó là giải pháp phải thực hiện, nhưng sẽ rất khó. Bởi chỉ cần một thành viên EU phủ quyết là mọi thứ sẽ rơi vào bế tắc” - chuyên gia Goulder cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận