02/01/2013 07:55 GMT+7

Nước Mỹ né "vách đá tài chính"

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Ngày 1-1, các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn nguy cơ “vách đá tài chính”. Tuy nhiên, vài tuần tới nền kinh tế Mỹ có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng mới đó là nợ công.

bpGuHMQq.jpgPhóng to

Giới chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới sẽ phản ứng lạc quan với diễn biến mới từ Washington - Ảnh: Reuters

Theo báo New York Times, rạng sáng đầu năm mới Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận tăng thuế đối với giới nhà giàu với tỉ lệ bỏ phiếu 89-8. Theo thỏa thuận này, chính quyền Mỹ sẽ tăng thuế đối với cá nhân có thu nhập trên 400.000 USD/năm và những cặp vợ chồng kiếm được trên 450.000 USD/năm.

Một số loại thuế khác cũng sẽ tăng, trợ cấp thất nghiệp cho khoảng 2 triệu người được tiếp tục duy trì. Khoản cắt giảm chi tiêu 1.200 tỉ USD trong 10 năm tới sẽ được hoãn lại trong hai tháng để Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng có thêm thời gian tìm ra một thỏa thuận mới. Gói thỏa thuận này đã được chuyển xuống Hạ viện Mỹ.

Giải pháp không hoàn hảo

"Quên vách đá tài chính đi, trần nợ công đáng sợ hơn nhiều"

NBC News

Nếu Hạ viện Mỹ thông qua thỏa thuận trên, nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được nguy cơ trượt xuống “vách đá tài chính”. Ngược lại, nếu không thông qua, dân Mỹ phải đóng thêm trung bình 3.000 USD/năm tiền thuế, nguồn trợ cấp thất nghiệp không còn, đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái vì thiệt hại 1.000 tỉ USD... Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới dự báo nếu nước Mỹ rơi xuống “vách đá tài chính”, chắc chắn nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ suy sụp nghiêm trọng trong năm 2013.

Báo Wall Street Journal bình luận dự luật này là một liều thuốc đắng đối với các nghị sĩ Cộng hòa chủ trương chống tăng thuế, bởi đây sẽ là lần đầu tiên thuế thu nhập tại Mỹ tăng kể từ năm 1993. Đối với đảng Dân chủ và ông Obama, dự luật hiện thực hóa cam kết họ đưa ra: tăng thuế đối với giới nhà giàu, duy trì vĩnh viễn mức thuế thấp hiện tại với phần lớn người Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Dân chủ bức xúc vì chuẩn thu nhập chịu thuế mới quá cao, tới 400.000 USD/năm, thay vì ngưỡng 250.000 USD như đề xuất của ông Obama.

Theo CNN, ông Obama mô tả dự luật vừa được Thượng viện thông qua “không phải là thứ mà đảng Dân chủ và Cộng hòa hoàn toàn thỏa mãn, nhưng là điều tốt đẹp đối với đất nước”. Lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell thừa nhận: “Đây là giải pháp không hoàn hảo nhưng sẽ ngăn chặn một cơn đau tài chính”.

Tuy nhiên, báo New York Times đưa tin chưa chắc Hạ viện Mỹ sẽ sớm thông qua dự luật này bởi rất nhiều hạ nghị sĩ Cộng hòa tỏ ra cay cú về việc tăng thuế đối với giới nhà giàu. Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố Hạ viện có thể sửa đổi dự luật để đưa lên Thượng viện bỏ phiếu lại. Dù vậy giới quan sát nhận định sự đồng thuận lưỡng đảng ở Thượng viện sẽ là sức ép buộc Hạ viện phải thông qua dự luật.

Phía trước là vực thẳm

Trên thực tế, “vách đá tài chính” chỉ là một trong hàng loạt khủng hoảng mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt trong năm 2013. Theo báo Washington Post, trước đó Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner thông báo nợ công Mỹ đã chạm trần 16.400 tỉ USD. Ông Geithner cho biết chính quyền Washington sẽ áp dụng các biện pháp “bất thường” để quốc hội có thêm thời gian đàm phán nhằm nâng mức trần nợ công.

Nhưng chỉ sau hai tháng nữa, Quốc hội Mỹ sẽ phải bỏ phiếu nâng mức trần nợ công. Đây cũng là thời điểm đảng Dân chủ và Cộng hòa phải đạt được thỏa thuận về gói cắt giảm chi tiêu 1.200 tỉ USD. “Quên vách đá tài chính đi, trần nợ công đáng sợ hơn nhiều” là tựa đề bài viết đăng trên trang NBC News hai ngày trước đây.

Bởi nếu theo các nhà phân tích tài chính, kể cả khi Mỹ rơi xuống “vách đá tài chính” thì cũng phải một thời gian nền kinh tế mới rơi vào suy thoái. Qua đó các nghị sĩ vẫn có cơ hội thông qua các luật ngăn chặn ảnh hưởng của nó. Ngược lại, nếu Washington không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công đúng hạn, Chính phủ Mỹ sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ.

Năm 2011, nền kinh tế Mỹ cũng đụng trần nợ công và quốc hội không đạt được một thỏa thuận do bất đồng sâu sắc. Hãng xếp hạng tín dụng S&P hạ định mức tín nhiệm Mỹ. Lập tức thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo. Chỉ số S&P 500 sụt 16% trong bốn tuần. Khảo sát của Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ cho biết vụ đấu đá trần nợ công ở Quốc hội Mỹ khiến chính phủ thiệt hại 1,3 tỉ USD tiền thuế của dân.

“Chắc chắn đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ đấu đá dữ dội về trần nợ công - NBC News dẫn lời nhà phân tích Jon Najarian thuộc Hãng chứng khoán TradeMonster - Đó sẽ là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ”.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên