24/12/2012 08:05 GMT+7

Nhật vừa cương vừa nhu với Trung Quốc

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Dù tuyên bố cứng rắn về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng thủ tướng tương lai của Nhật Bản Shinzo Abe lại đang đưa ra những tín hiệu hòa dịu nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ht9IQ1Ud.jpgPhóng to
Hình ảnh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chụp từ máy bay của Trung Quốc ngày 13-12 - Ảnh: Reuters

Theo The Japan Times, ông Abe hôm 22-12 đã quyết định sẽ tạm không điều động quan chức ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ít nhất là trong thời điểm này, để tránh làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Abe cũng nhấn mạnh “đó không phải là sự thay đổi trong quan điểm của chúng tôi”.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Abe tuyên bố sẽ xem xét đến việc cử quan chức thường trực ra Senkaku/Điếu Ngư để tăng cường quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo này.

“Quan hệ song phương với Trung Quốc là một trong những chính sách ngoại giao quan trọng nhất của Nhật Bản. Chúng tôi muốn xây dựng các nỗ lực để khởi động lại quan hệ và bắt đầu phát triển một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Bắc Kinh” - ông Abe nêu rõ.

Cùng lúc, theo nguồn tin của Đảng Dân chủ tự do (LDP) hôm 21-12 cho biết đảng này sẽ tạm hoãn một sự kiện vào tháng 2-2013 nhằm quảng bá tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Takeshima hiện do Hàn Quốc quản lý và gọi là Dokdo.

Cứng rắn nhưng linh hoạt

Tương tự, theo Kyodo, LDP và Đảng Công minh mới (NKP) trong dự thảo kế hoạch phối hợp chính sách ngày 20-12 (dự kiến sẽ ký ngày 25-12) cũng thống nhất sau khi thành lập chính phủ liên minh, hai đảng sẽ tăng cường cuộc thảo luận trên phạm vi toàn quốc nhằm sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản. Đáng chú ý là về lĩnh vực chính sách an ninh và đối ngoại, dự thảo này kêu gọi “phản ứng kiên quyết” với việc Bình Nhưỡng bắt giữ công dân Nhật cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trong khi đó “tăng cường sự tin tưởng” với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.

Giải thích về những tín hiệu mới này của thủ tướng tương lai Abe, trong bài phân tích trên Asia Times Online, nhà nghiên cứu Bert Edstrom thuộc Viện Chính sách phát triển và an ninh tại Thụy Điển cho rằng khi chính thức bắt đầu cương vị thủ tướng, ông Abe sẽ cố gắng tỏ ra cứng rắn nhưng cũng sẽ linh hoạt trong quan hệ với Trung Quốc như những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ trước đây của mình.

Tương tự thời điểm đang là ứng cử viên sáng giá và sau đó trở thành thủ tướng hồi năm 2006, nghị trình của ông Abe mang tính dân tộc. Trong đợt tranh cử vừa qua, ông cam kết tập trung vào việc sửa đổi hiến pháp, tăng cường quốc phòng cho Nhật Bản cũng như tuyên bố cứng rắn về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo chiều hướng có thể làm nóng quan hệ với Bắc Kinh. Nhưng, khó có thể nói chắc chắn rằng những vấn đề mà ông Abe nêu trên phản ánh sự quan tâm hàng đầu của cử tri Nhật nói chung. Với một nền kinh tế ảm đạm, hệ thống trợ cấp yếu kém cộng với chi tiêu cho an sinh xã hội tăng lên và dân số đang già đi, khó có thể nói rằng người dân lại mong muốn một nghị trình vốn chỉ tạo ra căng thẳng trong quan hệ với các nước láng giềng. Số cử tri đi bầu chỉ đạt 59% vừa qua, mức thấp nhất từ sau chiến tranh, cho thấy người dân không hứng thú với việc bỏ phiếu lần này.

Ông Edstrom kết luận: xét về tình hình kinh tế ảm đạm và quan hệ căng thẳng với nước láng giềng, ông Abe có thể sẽ phải điều chỉnh nghị trình của mình theo hướng thực tế.

Washington tái khẳng định với Tokyo về Senkaku

Cũng liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật về chính sách quốc phòng cho năm tài khóa 2013, theo đó tái khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong điều 5 Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ yêu cầu Mỹ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp có chiến sự.

Báo Yomiuri cho biết luật này cũng khẳng định “biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku, là một phần quan trọng trong vùng biển chung của châu Á, bao gồm cả các tuyến đường biển trọng yếu liên quan đến thông tin liên lạc và thương mại, có lợi cho tất cả các

nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Việc giải quyết hòa bình các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán ở biển Hoa Đông đòi hỏi sự kiềm chế của tất cả các bên”.

Trong khi đó, theo báo Asahi ngày 22-12, lần thứ hai máy bay Trung Quốc lại xâm nhập vùng trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Nhật Bản đã ra lệnh cho máy bay chiến đấu lên xua đuổi. Bộ Quốc phòng Nhật cho biết đây là loại máy bay cánh quạt của Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc, cùng loại với chiếc máy bay đã đi vào vùng trời quần đảo này hôm 13-12.

Bắc Kinh, Seoul mở rộng tuyên bố thềm lục địa

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này sẽ có phản ứng trước việc Trung Quốc ngày 14-12 đã đệ trình tài liệu chính thức lên Ủy ban giới hạn thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLCS), tuyên bố sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa mở rộng tới tận rãnh Okinawa. Sự phân giới được mở rộng theo hướng đông bắc về phía Hàn Quốc.

“Năm 2009, sự phân giới theo tài liệu của Trung Quốc nằm sâu ở phía nam hơn rất nhiều so với sự phân giới hiện tại. Sự mở rộng thềm lục địa về phía Hàn Quốc dường như để đề phòng Seoul” - Yonhap dẫn lời một chuyên gia cho biết.

Theo đó, trong bản báo cáo chính thức về thềm lục địa sắp được đệ trình lên CLCS, Seoul sẽ mở rộng phân giới theo hướng đông nam so với phiên bản cũ. Điều này sẽ khiến vùng chồng lấn mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền sẽ rộng thêm.

Các nhà quan sát nhận định tuyên bố chủ quyền về vùng chồng lấn lần này có thể làm nảy sinh căng thẳng giữa hai nước. Yonhap cho biết vùng thềm lục địa trên biển Hoa Đông được cho là có nhiều trữ lượng dầu và khí thiên nhiên.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên