03/11/2012 08:34 GMT+7

Nhà báo Hi Lạp trắng án

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Tòa án Hi Lạp ngày 1-11 đã tuyên trắng án nhà báo Kostas Vaxevanis, bác mọi cáo buộc về “vi phạm luật bảo vệ các thông tin cá nhân” với ông sau khi ông đăng tải danh sách hơn 2.000 người Hi Lạp trốn thuế.

Tố quan chức trốn thuế, nhà báo Hi Lạp ra tòa

1q54pcMt.jpgPhóng to

Nhà báo, biên tập viên người Hi Lạp Kostas Vaxevanis tại tòa án ở Athens ngày 1-11 - Ảnh: Reuters

Nhà báo Kostas Vaxevanis bị bắt hôm 28-10, một ngày sau khi tạp chí Hot Doc mà ông làm biên tập viên đăng tải danh sách 2.059 người Hi Lạp trốn thuế có tài khoản tại Ngân hàng HSBC ở Thụy Sĩ. Danh sách này đã gây nhức nhối cho Chính phủ Hi Lạp, bởi trong đó bao gồm nhiều chính trị gia, cựu quan chức, doanh nhân, bác sĩ, luật sư... Tổng giá trị số tài khoản trong danh sách ước lên đến 2 tỉ euro.

Danh sách này do cựu nhân viên của Ngân hàng HSBC Herve Falciani đánh cắp được. Nhà báo Kostas Vaxevanis cho biết một nguồn tin giấu tên đã cung cấp nó cho ông. Tháng 10-2010, bà Christine Lagarde, lúc đó là bộ trưởng tài chính Pháp, hiện là tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, đã trao danh sách này dưới dạng một đĩa CD cho các quan chức Hi Lạp. Tuy nhiên, đến nay họ lại cho biết chưa có bằng chứng những người trong danh sách là trốn thuế.

“Anh vô tội”

Kết thúc phiên tòa kéo dài 11 giờ tại Athens, nữ thẩm phán Malia Volika đã tuyên Vaxevanis vô tội và bác bỏ mọi cáo buộc do phía công tố nêu ra. Reuters tường thuật: Khi nghe “anh vô tội”, tiếng reo hò vang dội từ phía đám đông phóng viên, các nhà hoạt động và người dân tham dự phiên tòa.

“Cảm ơn bà thẩm phán rất nhiều” - nhà báo Kostas Vaxevanis tuyên bố. “Tôi đã làm điều mà mọi nhà báo tất phải làm” - Vaxevanis nói khi bước ra khỏi phòng xử án. Giơ nắm đấm lên cao trên đầu, Vaxevanis khẳng định: “Phán quyết này không chỉ đúng mà còn là trả lại tự do cho báo chí. Các nhà báo Hi Lạp đã bị bắt giữ làm con tin trong một thời gian dài. Phán quyết này trao cho các đồng nghiệp của tôi khả năng tác nghiệp mà không bị còng tay”.

Trước đó tại tòa, như AFP tường thuật, phía công tố đã mạnh mẽ lên án Vaxevanis là “đã công khai cười nhạo hàng loạt những con người, đẩy họ vào một xã hội khát máu”. Bởi “giải pháp cho hàng loạt vấn đề mà đất nước này đang trải qua không phải là thứ chủ nghĩa ăn thịt người man rợ”.

“Đây là nghĩa vụ công dân của tôi khi công khai danh sách này, ngay cả như nếu cha tôi cũng có tên trong danh sách này thì tôi cũng sẽ công bố” - ông giải thích việc cho công bố danh sách trốn thuế. Trong khi đó, chính phủ “thay vì đấu tranh chống lại những người trốn thuế, họ lại cắt lương của các thẩm phán và những người hưu trí”.

Sẵn sàng vào tù

Trong một bài trước đó đăng trên báo The Guardian (Anh), nhà báo Kostas Vaxevanis cũng nêu rõ lý do ông công bố bản danh sách là “vì tôi là một nhà báo và nhiệm vụ của tôi là nói sự thật cho mọi người” và bởi các quan chức đã từ chối làm việc này. “Trong hai năm qua, người dân Hi Lạp đã biết về sự tồn tại của một danh sách những người giàu trốn thuế mà không ai có thể đụng tới. Trong khi đó, người dân lại phải gánh chịu những khoản cắt giảm chi tiêu, phúc lợi xã hội”.

Danh sách mà nhà báo Vaxevanis công bố không phải duy nhất. Trước đó, danh sách 50.000 người Hi Lạp cũng đã được công khai, trong đó 1/4 chuyển ra nước ngoài hơn 300.000 euro và 1/5 mua bất động sản ở khắp nơi từ London, Paris đến New York.

Vaxevanis tố cáo ba nhiệm kỳ chính phủ trước đã lừa dối người dân xung quanh bản danh sách này. Chẳng chính phủ nào chịu vào cuộc, chẳng ai bị phanh phui trong khi chính phủ cứ hô hào “trốn thuế là kẻ thù số 1 của quốc gia”!

“Nhiệm vụ của họ (các quan chức chính phủ) là chuyển danh sách cho quốc hội hoặc các cơ quan tư pháp. Nhưng họ đã không làm và họ đáng bị bỏ tù về điều đó” - Vaxevanis chỉ trích mạnh mẽ. Những cái tên, gồm người thân thuộc với các bộ trưởng, các doanh nhân và những nhà xuất bản quyền lực, đã khiến các quan chức chùn bước, còn truyền thông Hi Lạp lại làm ngơ sự việc hay bị “khóa mõm”.

Khi được hỏi liệu có sẵn sàng trả giá cho việc nói lên sự thật, nhà báo Vaxevanis khẳng định: “Nếu phải vào tù vì công khai danh sách này thì tôi sẵn sàng làm điều đó. Không phải bởi tôi là một anh hùng mà vì tôi muốn cho mọi người thấy sự bất công đang diễn ra ở Hi Lạp”.

Tư pháp hai tốc độ

Phó chủ tịch Quốc hội Hi Lạp Mihalis Karhimakis chỉ ra một nghịch lý của hệ thống tư pháp nước này: chậm chạp trong việc điều tra tham nhũng, mất hai năm vẫn chưa điều tra được một bản danh sách có sẵn, nhưng lại nhanh nhẹn trong vụ bắt giữ nhà báo Vaxevanis. “Chúng ta đang có một hệ thống tư pháp hai tốc độ” - ông Karhimakis vạch rõ.

Vẫn theo ông, trong khi chính phủ nhiều nước châu Âu đã sử dụng thông tin của Herve Falciani để điều tra các nghi vấn trốn thuế và bắt tay với chính quyền Thụy Sĩ truy tìm các tài khoản bí mật của giới nhà giàu thì Athens lại vẫn ngập ngừng. Hi Lạp, nước sở hữu gần 30 tỉ USD trong các ngân hàng Thụy Sĩ, đã khởi động việc thương lượng với Thụy Sĩ vào năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì.

Trong khi đó, để trấn an người dân là chính phủ đang điều tra nạn trốn thuế, trong chín tháng đầu năm 2012 chính phủ đã bắt giữ hơn 1.100 người. Tuy nhiên, chẳng nhiều tiền được thu hồi. Thứ trưởng tài chính Yiorgos Mavragannis hồi tháng 10-2012 đã báo cáo trước quốc hội là mới chỉ truy tìm được 19 triệu euro trên tổng số 13 tỉ euro thuế chưa thu.

Bên cạnh đó, hệ thống điều tra tội phạm tài chính của Hi Lạp từ lâu đã bị lên án là chỉ bắt giữ lấy lệ rồi lại thả ra sau vài năm. Lời hứa thành lập một tòa án chuyên về thuế được chính phủ đưa ra năm 2009 đến nay vẫn chỉ mới ở giai đoạn lên kế hoạch.

Sự chậm chạp của chính phủ đã khiến dân chúng Hi Lạp ngày càng bất mãn. Nhiều người tin rằng chính hệ thống cầm quyền kém cỏi và tham nhũng đã đẩy đất nước ngày một lún sâu vào khủng hoảng.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên