Phóng to |
Người biểu tình ở Paris mang biểu ngữ với nội dung “Thắt lưng buộc bụng là tù chung thân - Ảnh: Reuters |
Các số liệu được công bố ngày 1-10 cho thấy tính đến tháng 9, sản xuất của khu vực đồng euro đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất do nhu cầu sụt giảm. Nhà kinh tế học Chris Williamson, thuộc hãng dự báo thị trường Markit, nhận định: “Ngành sản xuất khắp khu vực đồng euro đang ở trong quý tồi tệ nhất trong vòng ba năm qua”. Cũng theo ông, ngành sản xuất sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế và xem ra khó tránh khỏi nguy cơ châu Âu sẽ lại rơi vào thời kỳ suy thoái mới.
Tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng euro đã đạt mức kỷ lục 18,2 triệu người vào tháng 8, theo số liệu được công bố ngày 1-10.
Nợ, thất nghiệp gia tăng
Sau Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, ngày 30-9, khoảng 80.000 người thuộc cánh tả ở Pháp đã xuống đường ở thủ đô Paris để nói “không” với các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Liên minh châu Âu (EU) đang muốn áp đặt lên các nước thành viên. Các biện pháp khắc khổ này nằm trong một thỏa thuận tài chính được các nhà lãnh đạo EU thông qua hồi tháng 3, trong đó yêu cầu các bên ký kết phải đưa vào luật các cam kết nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách ở trong khoảng 0,5% GDP. Điều này có nghĩa là cắt giảm chi tiêu, tiền lương và các khoản trợ cấp...
Hôm nay (2-10), Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault dự kiến có cuộc tranh luận về thỏa thuận tài chính này trước quốc hội. Báo chí Pháp mô tả đây là một cuộc thuyết phục đầy khó khăn cho ông Ayrault. Bởi trước đó chính phủ của Tổng thống François Hollande đã công bố kế hoạch ngân sách năm 2013 với mục tiêu lấp đầy khoản thiếu hụt 37 tỉ euro (khoảng 47 tỉ USD) bằng việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.
Cuộc biểu tình ở Pháp diễn ra chỉ một ngày sau khi hàng chục ngàn người ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha xuống đường bày tỏ thái độ. “Cuộc biểu tình này cho thấy dân Pháp cũng vào cuộc hành động để chống lại chính sách khắc khổ” - Jean-Luc Méchenchon, đồng chủ tịch đảng cánh tả, nhận định.
Tại Lisbon (Bồ Đào Nha), những người biểu tình đã tuần hành phản đối chương trình khắc khổ mà họ xem là sẽ “đánh cắp thêm tiền lương và các khoản trợ cấp” của họ, khi chính phủ muốn đáp ứng các cam kết đối với các chủ nợ quốc tế nhằm đổi lại gói giải cứu trị giá 78 tỉ euro (khoảng 100 tỉ USD). Các lãnh đạo nghiệp đoàn sẽ nhóm họp vào ngày 3-10 để quyết định xem có tổng đình công hay không.
Nền kinh tế Bồ Đào Nha đã sụt giảm 1,2% trong quý II, nhanh hơn nhiều so với mức 0,1% trong quý I. Sự sụt giảm được dự báo sẽ chạm mức 3% trong cả năm.
Trong khi đó, tại Madrid (Tây Ban Nha), người dân cũng phản đối các biện pháp cắt giảm mạnh ngân sách. Theo Wall Street Journal, kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Tây Ban Nha năm 2013 bao gồm tăng thuế, cắt giảm chi tiêu trị giá 13 tỉ euro. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng suy thoái kinh tế nặng nề sẽ khiến Tây Ban Nha khó lòng đạt được các cam kết với EU là giảm thâm hụt xuống còn 4,5% GDP vào năm 2013 và 2,8% vào năm 2014. Dự báo cuối năm nay, thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha đạt 7,4% GDP, cao hơn nhiều so với mức 6,3% GDP như cam kết với EU.
Cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha, xuất phát từ bùng nổ bất động sản do đầu cơ, đã kéo đất nước chìm sâu vào suy thoái, khiến hàng triệu người mất việc và đẩy nhiều gia đình vào tình trạng nghèo đói. Tỉ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha hiện gần đạt mức 25%. Bộ trưởng ngân sách Tây Ban Nha Cristobal Montoro ngày 29-9 dự báo nợ của Tây Ban Nha sẽ đạt 85,3% GDP trong năm 2012 và 90,5% GDP trong năm 2013. Đồng euro ngày 1-10 đã sụt giá so với các đồng tiền châu Á khác do các nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng nợ ở Tây Ban Nha sẽ bùng nổ. Các nhà phân tích tài chính dự đoán Tây Ban Nha có thể phải kêu gọi gói giải cứu khẩn cấp trong vài ngày nữa.
Tại Brussels (Bỉ), khoảng 1.500 người cũng biểu tình ngày 30-9 để phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng và kêu gọi có các biện pháp đấu tranh chống đói nghèo, chia sẻ sự thịnh vượng công bằng ở Bỉ và châu Âu.
Giám sát chung các ngân hàng
Ủy ban châu Âu tháng trước đã đề xuất đặt các ngân hàng trong khối đồng euro dưới sự bảo hộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Đây được coi là bước đầu tiên nhằm thành lập một liên minh ngân hàng, bao gồm khoảng 6.000 ngân hàng trong khối đồng tiền chung euro. Liên minh ngân hàng này sẽ giúp củng cố đồng euro và khối tài chính. Bước tiếp theo sẽ là tạo ra một quỹ chung để giải quyết nợ cho các ngân hàng khủng hoảng và sau đó là thực thi một mô hình toàn diện để bảo vệ tiền gửi.
Theo Reuters, với việc thiết lập cơ chế quản lý các ngân hàng tốt hơn, liên minh ngân hàng được kỳ vọng là sẽ cho phép quỹ giải cứu khu vực đồng euro bơm vốn trực tiếp vào các ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận