Phóng to |
Theo báo Le Nouvel Observateur, giáo sư Philippe Even, giám đốc Viện Nghiên cứu y dược Necker, và bác sĩ Bernard Debre, nghị sĩ Quốc hội Pháp, vừa công bố cuốn sách Hướng dẫn sử dụng 4.000 loại thuốc hữu ích, vô dụng và nguy hiểm dày 900 trang. Trong sách, hai chuyên gia nổi tiếng khẳng định trong số 4.000 loại thuốc kê toa ở Pháp, khoảng 50% chẳng đem lại lợi ích gì cho người bệnh.
Ngoài ra, khoảng 20% “thích ứng kém” với bệnh nhân và 5% “có thể rất nguy hiểm” đối với sức khỏe và tính mạng người bệnh. Giáo sư Even và bác sĩ Debre nhấn mạnh việc ngừng sử dụng các loại thuốc vô dụng và nguy hiểm này sẽ giúp ngành y tế Pháp tiết kiệm khoảng 10 tỉ euro (13 tỉ USD)/năm. Quan trọng hơn, nó sẽ ngăn chặn 20.000 cái chết và 100.000 vụ nhập viện mỗi năm.
Danh sách đen
Những loại thuốc cần tránh Giáo sư Even và bác sĩ Debre yêu cầu Chính phủ Pháp ngừng lưu hành 58 loại thuốc nguy hiểm. Trong đó có rất nhiều thuốc của Hãng dược Servier. Một số tập đoàn dược hàng đầu cũng bị nêu tên: Sanofi, Novartis, Roche, GSK, MSD, Bayer, Grunenthal... Các loại thuốc nguy hiểm là thuốc điều trị các bệnh ung thư (Avastin), tiểu đường (Byetta, Victoza), khớp (Protelos, Hexaquine), thần kinh (Parlodel, Requip, Tasmar), trầm cảm (Ritaline, Concerta), phụ khoa (Mercilon, Belara, Yaz), tim mạch (Vastarel, Trivastal, Ikorel), kháng viêm (Celebrex, Arcoxia), hô hấp (Vectarion), chống thuốc lá (Champix, Zyban). |
Giáo sư Even và bác sĩ Debre nhắc lại vụ xìcăngđan thuốc chữa mỡ trong máu, tiểu đường Mediator của Hãng dược Servier. Loại thuốc này còn được quảng cáo là có công dụng giảm cân. Trong 33 năm lưu hành trên thị trường, ước tính nó đã cướp đi sinh mạng của 500-2.000 bệnh nhân do gây ra các bệnh về tim mạch. Ngoài Pháp, thuốc này còn có mặt trên thị trường ở Bồ Đào Nha và Cyprus.
Mãi đến tháng 12-2009 Cơ quan Dược châu Âu (EMEA) mới ra lệnh cấm lưu hành Mediator. Trong vòng 15 năm tính đến năm 2009, Servier kiếm được 20 triệu euro/năm từ loại thuốc chết người này. Các chuyên gia y tế cáo buộc Servier đã gây sức ép hoặc mua chuộc các bác sĩ để họ kê toa thuốc Mediator dù đã biết về nhiều trường hợp gây tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. Năm 2001, giáo sư Even đã nhận định vụ xìcăngđan Mediator có thể là cột mốc buộc chính phủ phải thay đổi hệ thống quy định nhằm kiểm soát ngành dược.
Theo cuốn sách, dân Pháp tiêu thụ khoảng 36 tỉ euro thuốc men mỗi năm, tương đương mỗi người tiêu thụ 532 euro thuốc/năm. Chính phủ Pháp chi trả 77% chi phí, tương đương 12% GDP. Trong khi đó, Anh chỉ chi 9,6% GDP cho thuốc men. “Vậy mà người Anh vẫn có tuổi thọ trung bình 80 năm như người Pháp và không hề ốm yếu hơn” - báo Anh Guardian dẫn lời giáo sư Even nhấn mạnh. Ông cho biết phần lớn các loại thuốc trong danh sách đen đều do các công ty Pháp sản xuất.
Trả lời phỏng vấn kênh Europe 1, cựu bộ trưởng y tế Pháp Roselyne Bachelot thừa nhận người Pháp sử dụng thuốc quá nhiều và giới bác sĩ thường xuyên kê toa các loại thuốc mới và đắt tiền. “Chính phủ cần phải buộc các phòng thí nghiệm nghiên cứu thuốc một cách hiệu quả nhất trước khi tung chúng ra thị trường” - bà Bachelot nhấn mạnh.
Ngành bất minh nhất
Trong cuốn sách, giáo sư Even và bác sĩ Debre cáo buộc ngành công nghiệp dược đã mua chuộc các bác sĩ để họ kê toa bừa bãi cho các bệnh nhân. “Ngành dược là ngành kiếm lợi lớn nhất và vô đạo đức nhất trong tất cả các ngành công nghiệp - giáo sư Even chỉ trích - Nó giống như một con bạch tuộc với những chiếc vòi dài, xâm nhập mọi tổ chức quyền lực, các cơ quan y tế thế giới, các chính phủ, quốc hội, bệnh viện...”.
Hai chuyên gia cho rằng mục tiêu của ngành dược chỉ là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, càng nhanh càng tốt. “Họ không sáng chế ra gì nhiều trong 30 năm qua nhưng luôn đẩy mạnh sản xuất dựa trên những lời dối trá và trò lừa đảo - giáo sư Even phẫn uất - Các công ty dược chẳng hề quan tâm đến việc sản xuất thuốc chữa những căn bệnh truyền nhiễm cho các quốc gia nghèo, bởi như vậy sẽ không kiếm được lợi lớn. Họ cũng chẳng muốn phát triển thuốc chữa các bệnh khó như Alzheimer hay Parkinson bởi việc đó quá khó và không thể kiếm lợi nhanh chóng”.
Theo giáo sư Even, ở Phố Wall (Mỹ) ngành dược là ngành lớn thứ ba chỉ sau dầu khí và ngân hàng. Mỗi năm quy mô ngành dược lại tăng trưởng 20%. “Ngành này còn kiếm lãi nhiều hơn cả ngành khai thác kim cương”. Hai chuyên gia cho rằng ngành dược còn nhận được sự đồng lõa của giới bác sĩ vì tiền mà luôn sẵn sàng làm “vui lòng” các hãng dược.
Tất nhiên cuốn sách của giáo sư Even và bác sĩ Debre bị một số bác sĩ và các công ty dược phản ứng dữ dội. Theo báo Le Figaro, Liên đoàn Ngành dược Pháp mô tả cuốn sách là “mớ hỗn độn”, có nguy cơ khiến bệnh nhân không chịu dùng thuốc. Giáo sư Jean - Francois Bergman, trưởng khoa nội Bệnh viện Lariboisiere, thừa nhận hiện tại có nhiều loại thuốc không có sự cải thiện công dụng đáng kể so với các loại thuốc trước, nhưng cho rằng cuốn sách có nhiều điểm không chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận