Phóng to |
Hơn 100.000 người Bồ Đào Nha xuống đường biểu tình tại thủ đô Lisbon và các thành phố khác - Ảnh: Reuters |
Tại Bồ Đào Nha, người biểu tình ở thủ đô Lisbon ném pháo sáng và cà chua vào trụ sở chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở nước này. Đã có hai người biểu tình bị bắt, xảy ra một số va chạm nhỏ với cảnh sát, nhưng nhìn chung cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa.
Số liệu ban đầu cho thấy hơn 50.000 người xác nhận trên Facebook về việc tham gia biểu tình ở thủ đô Lisbon. Reuters cho biết khoảng 100.000 người đã tham gia biểu tình ở Lisbon, Porto (thành phố lớn thứ hai) và hàng chục thành phố khác trên toàn Bồ Đào Nha.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Thủ tướng Pedro Passos Coelho đã ban hành những biện pháp khắc khổ mới để giảm thâm hụt ngân sách xuống 5% trong năm 2012. Khoản đóng góp trích từ tháng lương của người lao động cho các quỹ an sinh sẽ tăng lên 18% so với 11%.
Phóng to |
Người biểu tình Tây Ban Nha hướng về quảng trường Colon ở thủ đô Madrid - Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Tài chính Vitor Gaspar cho biết một số loại thuế thu nhập sẽ có hiệu lực từ năm tới, và các công chức có thể mất cả chế độ tiền thưởng trong dịp lễ như Giáng sinh - tương đương với một tháng thu nhập.
Bồ Đào Nha từng nhận gói cứu trợ trị giá 78 tỉ euro (102 tỉ USD) từ Liên minh châu Âu và IMF trong năm 2011. Chính phủ này vừa trải qua vòng thẩm định kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới nhất.
Trong khi đó tại Tây Ban Nha, Reuters cho biết hơn 150.000 công chức nhà nước tập trung về thủ đô Madrid, chặn mọi lối vào quảng trường Plaza de Colon và các tuyến đường gần đó. Không có sự cố nào diễn ra trong cuộc biểu tình, ngoại trừ việc một thanh niên phải nhập viện sau khi cố tự thiêu.
Cuộc biểu tình do liên minh Hội nghị thượng đỉnh xã hội công nhân tổ chức chính. Bộ Nội vụ ban đầu dự đoán số người tham gia biểu tình có thể là 500.000, nhưng sau đó bộ này cho biết chỉ có 65.000 người tham gia tuần hành.
Trước đó bốn ngày, cảnh sát cho biết một cuộc biểu tình tại thành phố Barcelona ở miền bắc thu hút tới 1,5 triệu người.
Là nền kinh tế lớn thứ tư các nước sử dụng đồng euro, Tây Ban Nha đang rơi vào suy thoái kép với tỉ lệ gần 25%. Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã công bố các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm giảm thâm hụt và trấn an các nhà đầu tư lẫn những quốc gia thành viên còn lại trong khối.
Tình hình có thể tồi tệ hơn trong những tuần tới, khi Tây Ban Nha tiết lộ sẽ giới thiệu một loạt biện pháp cải cách kinh tế vào cuối tháng này. Động thái này gia tăng dự đoán rằng Tây Ban Nha có thể sớm yêu cầu trợ giúp tài chính. Trước đó, vào đầu tháng 8, Tây Ban Nha công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu 125 tỉ USD trong vòng ba năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận