06/09/2003 10:29 GMT+7

Nhập phim nhựa chiếu rạp: Cuộc cạnh tranh đang tăng tốc

NGUYỄN CHƯƠNG
NGUYỄN CHƯƠNG

TT (TP.HCM) - Năm 2003 chứng kiến sự rộn rã trong hoạt động nhập phim nhựa, không ít đơn vị có mặt trên đường chạy, kiếm tìm và phát hành phim mới... Sau Chuyện tình Manhattan, Những người mặc đồ đen 2, lại có Người khổng lồ xanh, Bí mật ngôi mộ cổ 2... Sự xuất hiện nhanh của những bộ phim nhựa tên tuổi thế giới tại Việt Nam hứa hẹn sự trở lại rạp của khán giả yêu thích điện ảnh.

nZdvvI4Y.jpgPhóng to
TT (TP.HCM) - Năm 2003 chứng kiến sự rộn rã trong hoạt động nhập phim nhựa, không ít đơn vị có mặt trên đường chạy, kiếm tìm và phát hành phim mới... Sau Chuyện tình Manhattan,Những người mặc đồ đen 2, lại có Người khổng lồ xanh, Bí mật ngôi mộ cổ 2... Sự xuất hiện nhanh của những bộ phim nhựa tên tuổi thế giới tại Việt Nam hứa hẹn sự trở lại rạp của khán giả yêu thích điện ảnh.

Vì sao, Titanic?

Ra đời cách đây sáu năm và có mặt đã lâu trên các quầy băng đĩa in sang lậu, bộ phim lãng mạn trữ tình Titanic vẫn “đổ bộ” vào VN bằng phim nhựa: từ 29-8-2003 chiếu tại các rạp Thăng Long A, Đống Đa, Diamond, Fafilm, Toàn Thắng của TP.HCM; rạp Lê Độ của Đà Nẵng (sau đó, từ 26-9 chiếu ngoài Hà Nội).

vOMcjATB.jpgPhóng to
vRdn6bGB.jpg
tCeenRQ0.jpg
Ông Thái Hòa - phó giám đốc Hãng phim Giải Phóng, đơn vị nhập phim Titanic - giải thích: “Tôi cho là vẫn còn một lớp khán giả mới chưa biết đến bộ phim rất đại chúng này, ước đoán chiếm khoảng 30%, còn lại 70% là con số hi vọng về khán giả yêu thích điện ảnh cho dù từng xem trước băng đĩa nhưng sẽ chịu rời khỏi nhà đi xem phim nhựa. Chỉ cần khoảng bốn tuần chiếu và chỉ cần các suất buổi tối (không tính suất ban ngày) “complet” thì… ăn ngon ngủ khỏe!”.

Hiện nay có khoảng mười đối tác nhập phim vào VN: “thâm niên” từ năm 1997 như Visionnet thường phát hành phim của Hãng Paramount, Universal…; Cinenet, A-Net chuyên phát hành phim Hàn Quốc; rồi CK, NDP, cho đến công ty do người Việt làm chủ như Thiên Ngân nhận phát hành phim của Hãng 20th Century Fox, New Line; Công ty BHD nhập phim của Columbia, Tristar, Warner Brothers; rồi thêm Công ty dịch vụ và kiều hối Liên Đoàn. Vài tháng gần đây lại có một công ty Pháp đang thăm dò, ký kết nguyên tắc, chuẩn bị đưa những bộ phim Pháp và châu Âu vào thị trường VN.

Đây là lần thứ hai Hãng phim Giải Phóng nhập cuộc chơi kinh doanh phim truyện nhựa nước ngoài. Lần đầu còn rụt rè, chỉ dám tham gia bỏ ít vốn bên cạnh Công ty Văn hóa thể thao Hà Nội và một vài cá nhân khác nhập phim Người Mỹ trầm lặng chiếu tại TP.HCM vào tháng 12-2002.

Một thành viên trong nhóm nhập phim cho biết giá mua khoảng 80.000 USD. Cuộc phiêu lưu trên dây xiếc? Dễ cảm giác là vậy khi khán giả chịu đến rạp trong vài năm qua rất đỗi phập phù.

Ông Trần Chánh, giám đốc bộ phận sản xuất tại VN của phim Người Mỹ trầm lặng (trong thời gian phim quay tại VN), nhấn mạnh đó là lần duy nhất (cho đến nay) công chúng VN xem một bộ phim nước ngoài còn trước cả công chúng sở tại của hãng (ở đây là Úc và Mỹ!).

Đã vậy, phim còn có diễn viên VN chen chân đứng cùng tài tử quốc tế gạo cội. Từng đó lý do đủ để… mạnh miệng thuyết phục chủ hãng gật đầu “OK” cho chiếu “khai vị” tại VN. Người bảo chiếu phim bị lỗ, kẻ khác lại nói phim huề vốn. Lỗ lãi chưa rõ hư thực, nhưng lại thấy Hãng Giải Phóng hăm hở tìm phim nhựa để nhập: đấy, Titanic!

Bắt đầu nhộn nhịp

zrSfP0Qw.jpgPhóng to
Quá khứ từng vang dội những thành công của Visionnet qua các phim Mỹ Xác ướp Ai Cập, Vua bò cạp; thành công của A-Net với phim Hàn Quốc Yêu em bằng cả trái tim, Gió thổi khúc tình yêu được diễn tả vắn tắt trong cụm từ “cơn sốt vé” vào thời điểm phim được tung ra chiếu rạp.

Hiện tại trong danh sách đối tác nhập phim, Visionnet vẫn đứng hàng đầu: giàu tiền nên có những lúc ồ ạt 9-10 bản cho một đầu phim nhựa nhập về (trong khi đó phổ biến nhất trên hệ thống rạp là 3-4 bản mà thôi).

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2003 đến nay, Visionnet liên tục gối đầu phim đưa vào rạp (Điệp viên Không Không Thấy, Hãy bắt tôi nếu có thể, Chuyện tình Manhattan, Người mặc đồ đen phần 2, Người khổng lồ xanh, Bí mật ngôi mộ cổ, Sinbad - huyền thoại bảy đại dương, sắp tới là Những tên cướp biển Caribê).

Công ty Thiên Ngân, được giới phát hành đánh giá là công ty VN giàu tiềm lực (vốn, mối quan hệ), sau cú thăm dò với bộ phim nhựa chọn lọc Con đường diệt vong tung tiếp phim Kẻ liều lĩnh, đang sắp xếp để trình làng 3-4 phim nữa...

Công ty BHD cách đây vài tháng đem về bộ phim Đam mê rồi Những cô gái hành động. Phim đầu: lỗ, phim sau: được giải thích là đang trong thời gian công chiếu nên chưa dám nói gì về kết quả doanh thu. Công ty Liên Đoàn nhập phim Thám tử trổ tài, Người tiền sử tân thời, 72 giờ ở Seoul, doanh thu chưa ổn định, phim lỗ, phim huề vốn, khá hơn thì lãi chút đỉnh.

Áp lực tăng dần

Tại miền Nam trước 1975, về nhập và phát hành phim có 45 hãng, về sản xuất phim có 49 hãng và ba nhóm, 158 rạp chiếu (riêng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có 52 rạp). Việc nhập và chiếu phim truyện nước ngoài sinh lãi lớn nên các chủ hãng phát hành, chủ rạp thường không mặn mà đối với phim sản xuất nội địa! Chính quyền Sài Gòn lúc ấy buộc phải ra hạn ngạch “Cứ sản xuất được một phim VN thì mới được nhập ba phim nước ngoài”, dẫn đến sự tăng vọt các hãng sản xuất phim trong giai đoạn 1970-1974 (số liệu của Viện Quốc gia thống kê và Hội Những nhà sản xuất phim Sài Gòn 1974, dẫn lại trong bài “Điện ảnh vùng tạm chiếm” của Hoàng Thanh). Tuy nhiên chính sách hạn ngạch (tạo gắn bó giữa sản xuất và phát hành) đã giảm dần hiệu quả thực tế, trong đó có lý do hối lộ tham nhũng…

Giám đốc BHD nêu lên một nguyên nhân khó khăn, đó là quá ít rạp đạt chuẩn chiếu phim nhựa chất lượng cao để thu hút khán giả.

Ở Hà Nội có rạp Tháng Tám, NCC (Trung tâm Chiếu phim quốc gia), Dân Chủ; tại TP.HCM có Thăng Long A, Toàn Thắng, Diamond, Fafilm - chỉ vậy, chấm hết.

Với số dân trên 70 triệu mà chỉ có một bộ phận nhỏ người đi xem phim nhựa nếu… căn cứ vào số rạp co cụm để suy diễn, phải chăng thị trường phim tại VN thật ra chỉ là thị trường ảo?

Cuộc xâm thực của thị trường “lậu” khiến một đại diện của Visionnet cũng phải than khi phim Người khổng lồ xanh mới chiếu cách đây chưa lâu đã phải xếp kho.

Băng đĩa lậu sơ sịa còn chịu đựng nổi, nhưng đến mức hoành hành như hiện nay (mà không thể biết bao giờ mới thoát nạn!) thì còn hơn đòn chùy bổ xuống làm cho phim nhựa - nhìn chung - phải xiểng niểng. Vậy là thị trường có thể không “ảo” mà do “lậu” làm cho biến dạng.

Trong một diễn biến đáng lưu tâm, Tập đoàn Good Fellas (Hàn Quốc, với công ty con là Cinenet chuyên nhập phim) sau cụm rạp Diamond tại TP.HCM, mới đây lại vừa xây xong Diamond Đà Nẵng, theo nguồn tin hành lang, tương lai họ sẽ còn mở thêm một cụm rạp cũng tại TP.HCM và một cụm rạp ở Đà Lạt: đây là bằng chứng về “cách đọc” thị trường và nhu cầu công chúng.

Cuộc cạnh tranh rõ ràng đang tăng tốc (theo công thức vòng tròn “nhập phim để nuôi rạp, xây rạp để nuôi phim”), tạo áp lực đối với các tay đua nội địa VN.

Có lẽ nếu càng thêm rạp, thêm nguồn nhập phim nhựa, cộng với một sự mạnh tay, quyết liệt hơn trong trấn áp nạn phim in sang lậu, công chúng VN sẽ càng được thêm nhiều chọn lựa để giải trí với chất lượng cao hơn.

• Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, cục phó Cục Điện ảnh:

Phim cần đa dạng và phong phú hơn

Trước đây chỉ có Fafilm độc quyền nhập khẩu phim truyện nhựa nước ngoài, nhưng hiện nay Nhà nước cho phép nhiều đầu mối nhập phim hơn rồi. Đáng vui là xuất hiện những nhà kinh doanh trẻ không chỉ biết đến lợi nhuận mà còn lưu tâm cả về văn hóa, nhập về một số phim có giá trị nghệ thuật, như ở Công ty Thiên Ngân với Con đường diệt vong, Kẻ liều lĩnh...

Tuy nhiên, theo tôi, số lượng công ty và số phim nhập thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, phim cần phải đa dạng và phong phú hơn nữa. Nhiều đơn vị phát hành - chiếu bóng ở các tỉnh liên hệ với chúng tôi để xin trang bị máy chiếu phim nhựa trong chương trình tài trợ điện ảnh của Nhà nước, càng cho thấy rõ hơn một dự báo về nhu cầu. Mặt khác, tôi xin nhấn mạnh, không thể tồn tại một nền điện ảnh nếu thiếu đi sự đồng bộ, gắn bó giữa sản xuất và phát hành.

• Giám đốc Công ty BHD Bích Hạnh

Không thể ăn xổi ở thì

Thị trường điện ảnh VN không phải lúc nào cũng dễ dàng ăn nên làm ra, nhưng sao nhiều công ty nhảy vào?

Giám đốc Công ty BHD Bích Hạnh giải thích với PV Tuổi Trẻ: “Điện ảnh không thể ăn xổi ở thì. Trước mắt có thể phim này phim kia phải chịu lỗ, nhưng chúng tôi đánh giá đây là một thị trường tiềm năng nên cần “cắm mốc” ngay từ buổi đầu còn khó khăn này...”.

NGUYỄN CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên