21/08/2012 08:06 GMT+7

Làn sóng quá khích chống Nhật ở Trung Quốc

MỸ LOAN - T.N.
MỸ LOAN - T.N.

TT - Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật tiếp tục dâng cao khi những cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc đã lan rộng sang ngày 20-8. Một làn sóng “đủ để tạo nên một cuộc xung đột, chứ không thể là một cuộc chiến”!

Dân TQ biểu tình chống Nhật vì đảo tranh chấp

ekNN5Q5c.jpgPhóng to
Xe hơi Nhật sản xuất tại Trung Quốc bị người quá khích ở Thâm Quyến lật nhào ngày 19-8 - Ảnh: AFP

“Các công dân Nhật cho biết họ không chỉ cắm cờ Nhật trên những phiến đá dọc đảo mà còn hát quốc ca Nhật, dùng bữa ăn hải sản và sau đó đưa cờ đến cắm ở điểm cao nhất trên đảo”. Thông tin này, sau khi được đăng tải trên báo chí Nhật và thế giới, đã khiến dư luận Trung Quốc sôi sục. Tân Hoa xã mô tả những người biểu tình đã tràn ra đường phố Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên đến vùng băng tuyết xa xôi Cáp Nhĩ Tân để đòi Nhật bỏ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Các trang web phổ biến của Trung Quốc sáng 20-8 đồng loạt cho đăng tải những bức ảnh biểu tình chống Nhật khắp Trung Quốc.

Đáng xấu hổ

Hàn Quốc xây dựng đài tưởng niệm trên đảo tranh chấp

Theo báo Korea Herald, ngày 20-8 Hàn Quốc đã xây dựng đài tưởng niệm trên đảo Dokdo/Takeshima để đánh dấu chuyến thăm đảo của Tổng thống Lee Myung Bak ngày 10-8. Đài tưởng niệm bằng đá cao 1,2m, được dựng trước tòa nhà đồn trú của lực lượng bảo vệ đảo của Hàn Quốc.

Các hình ảnh trên Internet cho thấy ở miền nam Trung Quốc, những người quá khích đã tấn công kiều dân Nhật, thậm chí lật nhào cả xe hơi cảnh sát của Trung Quốc mua từ Nhật. Làn sóng “bài Nhật” thể hiện rõ trên các trang mạng của Trung Quốc khi kêu gọi tẩy chay hàng Nhật. Trên Weibo còn đăng tải cả hình ảnh dựng bên ngoài trạm xăng với nội dung không đổ xăng cho xe hơi kiểu Nhật.

Thời Báo Hoàn Cầu như đổ thêm dầu vào ngọn lửa cực đoan này khi đăng lời kêu gọi của các nhân vật “diều hâu” đòi chính phủ “hành động quyết đoán hơn” về vấn đề biển Hoa Đông và biển Đông. “Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc cùng sự tăng trưởng sẽ trở thành lực cản buộc Nhật phải lùi bước. Sự miễn cưỡng sử dụng sức mạnh quân sự không có nghĩa là Trung Quốc e ngại chiến tranh” - Thời Báo Hoàn Cầu dọa dẫm.

Báo này còn dẫn lời tướng La Viện thuộc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc hùng hổ đòi “đối đầu với Nhật nếu Nhật cứ khăng khăng đến đảo Điếu Ngư hay đồn trú quân đội ở đó”, đòi “đưa quần đảo Điếu Ngư vào trong tầm bắn của lực lượng hải quân”. Ông tướng này còn đòi chính phủ lập ủy ban hàng hải để kiểm soát biển Hoa Đông, biển Đông và đặt tên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Điếu Ngư “để thị uy với Nhật”.

Thái độ quá khích này vấp phải sự phản đối của ngay chính nhiều người Trung Quốc. Một số tờ báo cho rằng các phần tử biểu tình ở Thâm Quyến và Thẩm Dương đã hành động quá lố! “Yêu nước kiểu này sẽ chẳng bao giờ được ủng hộ. Nó chỉ làm những người yêu nước thật sự cảm thấy xấu hổ” - nhật báo Thanh Niên Trung Quốc viết.

“Yêu nước như kiểu chúng ta nhìn thấy trong các cuộc biểu tình chống Nhật thật là bệnh hoạn. Hành động tấn công xe của người Trung Quốc ngay trên đất Trung Quốc hoặc bắt giữ hay đánh đập một người Nhật là trái luật” - mạng Tân Lãng dẫn lời một người Trung Quốc phản ứng.

Xem Trung Quốc là một đối tác ngoại giao

Trong khi đó, theo AFP, nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước, Nhật Bản tuyên bố vẫn xem Trung Quốc là một trong những đối tác ngoại giao chính của mình. “Quan hệ với Trung Quốc là một trong những quan hệ quan trọng nhất với Nhật Bản” - chánh văn phòng nội các Nhật Osamu Fujimura nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ngày 20-8.

Trước đó, trong xã luận của mình, Trung Quốc Nhật Báo cho rằng “Nhật Bản đang xây một bức tường mới trong quan hệ với Trung Quốc. Chính quyền nước này xem ra đã quyết định làm nguội lạnh quan hệ Trung - Nhật”. Báo này cũng không quên một lời đe dọa khi viết: “Nhật Bản sẽ sai lầm nếu xem thái độ kiềm chế của Trung Quốc về vấn đề đảo Điếu Ngư như là bằng chứng của sự yếu đuối”. Thế nhưng, như báo Le Figaro (Pháp) dẫn lời David Hewitt, chuyên gia năng lượng ở châu Á, cho rằng do vị trí chiến lược và chính trị cũng như giàu tài nguyên và nguồn cá, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ “đủ để gây nên một cuộc xung đột, chứ không thể là một cuộc chiến tranh”.

Đề cập việc đặt chân lên đảo của mười công dân Nhật mới đây, như báo Asahi Shimbun dẫn lời ông Osamu Fujimura cho biết Tokyo “lấy làm tiếc” về việc này, song ông lặp lại rằng quần đảo Senkaku là “phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật theo lịch sử, phù hợp với luật pháp quốc tế và chúng tôi hiện đang kiểm soát các đảo này. Nhật không thể chấp nhận những phản đối từ Trung Quốc và Đài Loan về vấn đề Senkaku”.

Nhưng ông nói thêm Nhật Bản mong muốn “cải thiện các quan hệ qua lại cùng có lợi” với Trung Quốc.

Trước làn sóng phản đối Nhật Bản có phần kích động, ông Osamu Fujimura cũng yêu cầu Chính phủ Trung Quốc bảo vệ an ninh cho các kiều dân Nhật tại Trung Quốc.

“Bão tố trên biển Đông”

Trong bài viết với nhan đề “Bão tố đang tập trung ở biển Đông” hôm 19-8 trên Wall Street Journal, thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb khẳng định việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đòi ôm trọn biển Đông đã thổi bùng căng thẳng trên vùng biển này. Theo ông, các động thái chính trị của Trung Quốc đã được tính toán phù hợp với sự bành trướng về kinh tế và quân sự của họ. “Các bên tranh chấp chủ quyền là một chuyện, song những hành động trắng trợn, thù địch hoàn toàn là chuyện khác” - thượng nghị sĩ Jim Webb chỉ trích.

MỸ LOAN - T.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên