15/08/2012 07:32 GMT+7

Nhật - Hàn căng thẳng, Mỹ lo lắng

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Mỹ không lấy gì làm vui vẻ trước việc hai đồng minh của mình là Nhật và Hàn Quốc bất hòa vì vấn đề chủ quyền, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chiến lược hướng về châu Á của Washington.

Tàu Đài Loan - Hong Kong - TQ kéo đến SenkakuNhật lập “đê” phòng Bắc KinhMáy bay không người lái Mỹ theo dõi TQ trên biển

SFzbeNf8.jpgPhóng to
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak quan sát đảo Dokdo/Takeshima từ trên máy bay trước khi hạ cánh xuống đây hôm 10-8 - Ảnh: Reuters

Theo AFP, quan hệ Tokyo - Seoul thường xảy ra trục trặc bởi tâm lý của người Hàn Quốc về thời kỳ Nhật chiếm đóng từ năm 1910-1945. Xích mích trong quan hệ thường xảy ra vào tháng 8 với những ngày kỷ niệm mang tính nhạy cảm. Hôm nay, 15-8, Nhật kỷ niệm 67 năm ngày chấm dứt chiến tranh.

Việc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đến thăm quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima càng làm quan hệ song phương giữa hai nước thêm căng thẳng. Sự căng thẳng này, dù là tạm thời, cũng được cho là ảnh hưởng tới chiến lược hướng về châu Á của Mỹ, trong đó Washington muốn tăng cường hợp tác giữa Seoul và Tokyo.

Kiềng ba chân không vững

Chính phủ Mỹ luôn ca ngợi ông Lee là người có cái nhìn sâu rộng về quan hệ quốc tế, bao gồm cả việc tìm cách chấm dứt những xích mích với Mỹ và Nhật sau khi nhậm chức vào năm 2008. Hồi tháng 6, chính quyền ông Lee đã lên kế hoạch để ký kết thỏa thuận quân sự với Nhật, một thỏa thuận đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 1945. Tuy nhiên, việc ký kết này đã bị hoãn vào phút chót với việc cả đôi bên quan ngại sự phản ứng từ người dân.

Bruce Klingner, thành viên nghiên cứu cấp cao thuộc Tổ chức tư vấn Heritage Foundation ở Mỹ, cho biết thỏa thuận này sẽ cho phép Nhật và Hàn Quốc chia sẻ thông tin quân sự về CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, từ đó có thể giúp hai nước xây dựng lá chắn tên lửa do Mỹ hậu thuẫn. “Bùng phát căng thẳng giữa Seoul và Tokyo gây ra hậu quả về an ninh quốc gia cho cả Hàn Quốc và Nhật cũng như làm cản trở các mục tiêu về an ninh của Mỹ tại châu Á” - ông Bruce Klingner đánh giá.

Theo ông, cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều quan tâm đến việc tạo nên ba chân kiềng vững chắc, nhưng mắt xích Seoul - Tokyo giờ đây lại cho thấy là chỗ yếu nhất. Ông khuyến cáo Mỹ nên thận trọng, không nên đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp mà hãy tìm cách khuyến khích sự hợp tác ba bên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm 13-8 tuyên bố Washington “muốn thấy hai đồng minh mạnh ở Thái Bình Dương cùng nhau giải quyết vấn đề”.

Ông Klingner gợi ý Mỹ có thể tăng số lần tập trận chung giữa ba nước và tổ chức các cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của ba bên.

Hội chứng cuối nhiệm kỳ

Chuyến đi gây phản ứng từ Tokyo của ông Lee khi cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc sắp diễn ra mặc dù ông Lee không được phép tái tranh cử. Nhiều nhà phân tích chính trị ở cả Hàn Quốc và Nhật đã tỏ ra ngạc nhiên về hành động này bởi từ khi lên nắm quyền năm 2008, ông Lee luôn tìm cách thắt chặt quan hệ với Tokyo.

Tờ Japan Times dẫn lời ông Klingner nhận định chuyến đi đến đảo tranh chấp của Tổng thống Lee chỉ nhằm đánh bóng hình ảnh dân tộc chủ nghĩa của ông, nhất là sau khi ông bị dư luận Hàn Quốc chỉ trích thân Nhật khi thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận quân sự với Tokyo. Đối với nhiều người dân Hàn vốn vẫn chưa quên “di sản” của thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, điều này còn tệ hại hơn là bị gắn mác thân Triều Tiên.

Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng (IDSA) có trụ sở tại Ấn Độ, trong một bài phân tích đăng ngày 14-8, cho rằng chuyến đi của ông Lee được thúc đẩy bởi những vấn đề chính trị trong nước hơn là những vấn đề chủ quyền hay ngoại giao. Tờ Korea Times mô tả các đảng đối lập ở Hàn Quốc tỏ ra hài lòng với chuyến đi thăm đảo Dokdo/Takeshima của ông Lee.

IDSA nhận định nếu nhìn rộng hơn về quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong hai thập niên qua sẽ thấy chuyến đi của ông Lee chẳng có gì lạ. Quan hệ hai nước thường trở nên căng thẳng trong năm cuối của mỗi nhiệm kỳ tổng thống. Đây được gọi là “hiện tượng cuối nhiệm kỳ”.

AFP dẫn lời Scott Snyder, giám đốc chương trình chính sách Mỹ - Hàn thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế ở Mỹ, cho rằng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ không kéo dài lâu và tân tổng thống Hàn Quốc sẽ tìm cách làm mới lại quan hệ với Tokyo.

Thời Báo Hoàn Cầu đòi “báo thù”

Phản ứng thái độ mạnh mẽ của Nhật Bản trước việc tàu Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan cùng kéo đến quần đảo Senkaku, Thời Báo Hoàn Cầu ngày 14-8 đăng xã luận bằng hai ngôn ngữ Anh - Hoa với giọng đe dọa: “Nếu Nhật đưa ra lời mạnh mẽ thì Trung Quốc sẽ kiên quyết báo thù”.

Tờ báo này cho rằng nếu Nhật cứ hành động “cực đoan” thì Trung Quốc sẽ đưa tàu quân sự đến khu vực biển quanh quần đảo Điếu Ngư và xung đột giữa tàu quân sự Trung Quốc và Nhật nổ ra, khiến an ninh Đông Á lâm nguy. Tờ báo này lý giải lạ lùng: vì bị áp lực tranh chấp chủ quyền với Nga ở quần đảo Kuril và với Hàn Quốc ở đảo Dokdo/Takeshima mà Tokyo quay sang “trút giận” lên quần đảo Điếu Ngư. Tờ báo này còn cảnh báo Nhật đã trở thành “nước bị cô lập” ở Đông Á và Tokyo sẽ không đạt được bất kỳ lợi ích nào nếu xung đột.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên