14/08/2012 08:37 GMT+7

Phe nổi dậy Syria bắn rơi máy bay chính phủ

TẤN KHOA (BBC, Reuters, AFP)
TẤN KHOA (BBC, Reuters, AFP)

TTO - Phe nổi dậy Syria tuyên bố bắn hạ máy bay quân sự của chính phủ ở gần biên giới Iraq hôm 13-8. Cùng ngày, đại diện Syria tại Hội đồng nhân quyền LHQ đào tẩu khỏi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

mSZjatGh.jpgPhóng to
Trong đoạn video do phe nổi dậy Syria đăng tải, lực lượng này tuyên bố bắn hạ một máy bay quân sự chính phủ - Ảnh: WP

Một nhóm nổi dậy của thanh niên Syria đã đăng tải đoạn phim về một người đàn ông bị bắt giữ lên YouTube. Người này được cho là phi công của chiếc máy bay quân sự bị bắn rơi. Nhóm này nói chiếc máy bay có nhiệm vụ “đánh bom thị trấn al-Muhassan”, thuộc tỉnh Deir al-Zour cách biên giới Iraq khoảng 120km.

Trong đoạn video, người được cho là phi công xưng là đại tá Fareer Mohammad Suleiman. Tiếng súng bắn hạ máy bay có thể nghe thấy trong đoạn video này trước khi chiếc máy bay bốc cháy. Đoạn phim không thể kiểm chứng độc lập.

Ông Aref Hammoud, người phát ngôn lực lượng Quân đội tự do Syria (FSA), xác nhận chiếc máy bay quân sự Mi-G23 đã bị bắn hạ bằng súng phòng không cỡ nòng 14,5mm, địa điểm máy bay bị bắn hạ ở gần thị trấn al-Muhassan.

Hãng tin nhà nước Sana khẳng định chiếc máy bay rơi vì “lỗi kỹ thuật” và đang tìm kiếm phi công. Theo hãng tin này, chiếc máy bay đang trong giai đoạn huấn luyện, nhưng gặp sự cố vì “cơ chế điều khiển” nên viên phi công buộc phải thoát ra ngoài và rời bỏ máy bay.

Việc phe đối lập bắn hạ một máy bay quân sự là dấu ấn quan trọng trong cuộc xung đột. Các bản tin gần đây cho thấy chính phủ đã tăng cường đánh bom bằng máy bay chiến đấu tại thị trấn Aleppo, trong khi phe nổi dậy đã sở hữu vũ khí phòng không.

Trước đó, chủ tịch Hội đồng dân tộc Syria (SNC) Abdelbasset Sida kêu gọi thiết lập vùng cấm bay tại Syria và một khu vực an toàn do các lực lượng nước ngoài đóng gần biên giới kiểm soát.

Lời kêu gọi của ông Sida được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố đã nghiên cứu hàng loạt cách thức để hỗ trợ phe đối lập, khẳng định sẽ không từ bỏ biện pháp nào, kể cả việc thiết lập vùng cấm bay.

Syria tiếp tục thất thế về ngoại giao

OIC là cơ quan được thành lập giữa 56 quốc gia thành viên nhằm đại diện cho quyền lợi Hồi giáo trên thế giới. Từ ngày 15-8 sẽ diễn ra cuộc họp khẩn cấp của OIC ở Mecca (Saudi Arabia) về vấn đề Syria. Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ, ủng hộ lực lượng đối lập người Sunni trong cuộc khởi nghĩa ở Syria.

Đại diện cao cấp của Syria tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHCR), ông Danny al-Baaj tuyên bố đào tẩu vì cảm thấy bất lực khi cương vị của mình không thể giúp đỡ được cho người dân.

Thông tin đào tẩu này được người phát ngôn UNHCR Rolando Gomez xác nhận.

“Về cơ bản, tôi cảm thấy không thể giúp đỡ được người dân của mình nữa và tôi phải tiến lên theo cách khác. Khi tôi tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề Syria, mối quan tâm của tôi là bảo vệ đất nước chứ không phải bảo vệ chính phủ” - ông al-Baaj nói.

Ông al-Baaj đến Geneva (Thụy Sĩ) làm nhiệm vụ đã được hai năm. Trong khoảng thời gian này ông gặp một nhóm đối lập là Diễn đàn Dân chủ ở Paris. Tuyên bố đào tẩu của ông al-Baaj được đưa ra trước khi ủy ban độc lập của UNHCR điều tra các báo cáo về Syria.

Trong diễn biến khác, một nhà ngoại giao cho biết Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) sẽ khai trừ tư cách thành viên của Syria vì tình trạng bạo lực tại nước này.

“Quyết định khai trừ Syria khỏi OIC không gặp trở ngại nào” - nhà ngoại giao giấu tên cho biết bên lề cuộc họp sơ bộ giữa các bộ trưởng trong tổ chức tại Jeddah (Saudi Arabia). Dự kiến thông báo chính thức sẽ được đăng tải cuối tuần này.

Iran phản đối hành động này của OIC. “Đình chỉ tư cách thành viên không có nghĩa là sẽ đạt được giải pháp” - Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi nói.

TẤN KHOA (BBC, Reuters, AFP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên