Thượng nghị sĩ John McCain: "Trung Quốc không xứng một cường quốc có trách nhiệm"Mitt Romney muốn "bắt Trung Quốc ngồi yên vào chỗ"
Phóng to |
Trong bài bình luận đăng trên trang Project Syndicate ngày 26-7, giáo sư Kishore Mahbubani - hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Singapore - đã lên tiếng chỉ trích chính sách hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông và khẳng định chính quyền Trung Quốc đã “mắc phải hàng loạt sai lầm nghiêm trọng”.
“Sau 30 năm khôn khéo về địa chính trị, Trung Quốc xem chừng sắp đánh mất sự khôn ngoan đó ngay khi họ cần nó nhất” - giáo sư Mahbubani viết.
“Đường chín đoạn”: cái gông thít quanh cổ Bắc Kinh
Giáo sư Kishore Mahbubani (ảnh) là một nhà ngoại giao nổi tiếng, từng là đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc. Ông là tác giả nhiều cuốn sách, từng được tạp chí Foreign Policy bình chọn trong danh sách 100 nhà trí thức hàng đầu của thế giới. Theo ông, thế kỷ 21 là sự trỗi dậy của châu Á “sau 200 năm châu Á là người khách đứng bên lề lịch sử thế giới, buông giáp đầu hàng trước làn sóng tràn ngập của phương Tây về thương mại, tư tưởng và quyền lực”. Trong sự trỗi dậy “không thể ngăn cản” này, Trung Quốc là nước dẫn đầu. |
Chiến thắng của Trung Quốc thật ra rất yếu ớt. Bắc Kinh đã giành thắng lợi trong trận đánh thông cáo chung, nhưng có thể đã đánh mất 20 năm miệt mài gây dựng thiện chí... Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tính toán rằng một ASEAN mạnh mẽ và thống nhất là vùng đệm quan trọng ngăn chặn bất kỳ chiến lược kiềm chế nào của Mỹ. Nhưng giờ đây, khi chia rẽ ASEAN, Trung Quốc đã cung cấp cho Mỹ cơ hội địa chính trị tốt nhất trong khu vực. Nếu Đặng Tiểu Bình còn sống, có lẽ ông ấy sẽ rất lo lắng”.
Giáo sư Mahbubani cũng chỉ trích dữ dội bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc: “Đường chín đoạn mà chính quyền Bắc Kinh vẽ ra trên biển Đông chỉ là một chiếc gông địa chính trị nặng nề thít quanh cổ Trung Quốc. Việc Trung Quốc gửi kèm bản đồ này trong công hàm phản ứng lại việc Việt Nam và Malaysia đệ đơn chung về giới hạn thềm lục địa trên biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi tháng 5-2009 là ngu xuẩn và dại dột. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa bản đồ này vào một công hàm trình LHQ và nó đã khiến các thành viên ASEAN vô cùng lo ngại.
Đệ trình đường chín đoạn lên LHQ, Trung Quốc đã rơi vào tình thế chắc chắn thất bại, vì gặp rất nhiều khó khăn trong việc biện hộ cho tính pháp lý của bản đồ này theo luật pháp quốc tế. Bản đồ đường chín đoạn cũng gây ra nhiều vấn đề đối với chính quyền Trung Quốc ở trong nước. Bất cứ dấu hiệu nhượng bộ nào cũng sẽ dẫn tới nguy cơ chính trị. Nói cách khác, việc ném hòn đá vào biển Đông đã đẩy Trung Quốc vào cảnh tiến thoái lưỡng nan”.
Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ
Giáo sư Mahbubani dự báo Trung Quốc sẽ buộc phải tìm cách nhượng bộ về bản đồ đường chín đoạn: “Trên thực tế, Bắc Kinh đã âm thầm làm như vậy. Đường chín đoạn bao trùm cả vùng biển phía đông bắc quần đảo Natuna của Indonesia, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã trấn an Indonesia rằng nước này sẽ không đòi chủ quyền quần đảo Natuna hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”.
Ông cho biết lời trấn an này đã làm dịu quan hệ Trung Quốc - Indonesia. “Vậy tại sao Trung Quốc không thể nhượng bộ tương tự với các nước ASEAN khác?”. Theo giáo sư Mahbubani, hai nhà cố lãnh đạo Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có điểm chung là đều sẵn sàng nhượng bộ về chủ quyền để giải quyết tranh chấp biên giới. “Ông Mao và ông Đặng có thể làm vậy bởi họ là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Không một nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đủ mạnh mẽ để đưa ra các nhượng bộ đơn phương khôn ngoan”.
Giáo sư Mahbubani dự báo chính sách của Trung Quốc sẽ không thay đổi cho đến khi giai đoạn chuyển giao quyền lực hoàn thành. “Nhưng nước Mỹ đang tỉnh giấc. Và cả thế giới cũng sẽ tỉnh giấc. Câu hỏi là Trung Quốc có còn khôn ngoan về địa chính trị như trước nữa không?”.
Nhật có thể đưa quân đến biển Hoa Đông để đối phó Trung Quốc Bộ trưởng quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto ngày 27-7 tuyên bố nước này không loại trừ khả năng gửi lực lượng phòng vệ (SDF) tới quần đảo Senkaku tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông để bảo vệ các lợi ích quốc gia. Phát biểu tại thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Morimoto khẳng định “việc bảo vệ các đảo này chủ yếu thuộc trách nhiệm của lực lượng tuần duyên và cảnh sát, tuy nhiên luật pháp quy định rằng lực lượng phòng vệ (tức quân đội Nhật Bản) có thể hành động” đáp trả thích đáng các vụ xâm phạm nước này. Trước đó, theo AFP, Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng tuyên bố trước quốc hội sẽ có các hành động cứng rắn đối với bất cứ “động thái phi pháp” nào của các nước láng giềng đối với lãnh thổ Nhật Bản. Căng thẳng giữa hai nước gần đây tiếp tục leo thang sau hàng loạt sự cố, bao gồm việc hai tàu Trung Quốc hồi đầu tháng hai lần đi vào vùng biển tranh chấp giữa hai nước xung quanh quần đảo Senkaku. Trung Quốc sẽ gây chiến? Trên tạp chí Foreign Policy, giáo sư James Holmes thuộc Trường Chiến tranh hải quân (Mỹ) cảnh báo có khả năng Trung Quốc sẽ gây chiến trên biển Đông. Bởi chiến thuật “cây gậy nhỏ” (dùng lực lượng bán dân sự đàn áp tàu thuyền các nước trên biển Đông và khẳng định chủ quyền) tốn nhiều thời gian để Trung Quốc độc chiếm vùng biển quốc tế này. Áp lực từ phía dư luận trong nước sẽ buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải làm một điều gì đó trong khi các nước Đông Nam Á chưa đủ lực quân sự để chống trả. Trong khi đó, báo Nhật Yomiuri Shimbun đăng bài xã luận kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không có những hành động đơn phương quá khích và yêu cầu nước này giảm căng thẳng bằng đàm phán. Yomiuri Shimbun khẳng định việc Trung Quốc đòi chủ quyền cả biển Đông và thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, điều quân đồn trú là nguyên nhân của mọi căng thẳng. Báo này cũng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc có thể cũng gây hấn tương tự trên biển Hoa Đông. Theo báo Daily Inquirer, nghị sĩ Philippines Rodolfo Biazon, chủ tịch Ủy ban quốc phòng hạ viện, mới đây đã đặt vấn đề mời LHQ đưa quân gìn giữ hòa bình đến biển Đông để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc gây chiến. Ông Biazon cho rằng quân gìn giữ hòa bình LHQ có thể ngăn chặn khả năng căng thẳng “tăng lên mức nguy hiểm” do các hành động của Trung Quốc và là hành động hợp lý bởi Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) được 152 nước ký. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận