16/07/2012 07:46 GMT+7

ASEAN cần một mặt trận chung

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Việc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM 45) không đưa ra được tuyên bố chung có làm cho tranh chấp ở biển Đông thêm khó tháo gỡ?

Các chuyên gia nhận định “không hẳn là như vậy”, và ảnh hưởng của nó cũng chỉ ở mức “nhất định”.

1JlJUhUd.jpgPhóng to
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong tại phiên bế mạc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 ở Phnom Penh ngày 13-7 - Ảnh: Reuters

Trước những diễn biến gần đây trên biển Đông, ASEAN được chờ đợi là gánh trên vai sứ mệnh dẫn dắt và lãnh đạo để tìm cách giải quyết xung đột mà cả khu vực đang đối mặt. Việc bất đồng trong nội bộ bị xem là một “bước lùi” trong tiến trình phát triển ASEAN.

Thụt lùi? Có, nhưng nhỏ!

“Nói thẳng, đó là một bước lùi, nhưng tôi đánh giá bước lùi này chỉ tác động đến quan hệ các nước ASEAN ở mức độ nhất định”. Lý giải quan điểm này, thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học, Bộ Công an - cho rằng xu hướng hình thành cộng đồng ASEAN hợp tác về văn hóa, kinh tế, an ninh là tất yếu, chủ đạo không thể cưỡng lại.

“Trước một thế giới nhiều biến động, thách thức này, với các nước nhỏ và trung bình như thành viên ASEAN, muốn tồn tại được thì không có con đường nào khác ngoài việc đoàn kết với nhau tạo sức mạnh nội khối, hỗ trợ và tạo một tiếng nói thống nhất để giải quyết những vấn đề nóng bỏng của khu vực và thế giới. Chỉ có như vậy thì mỗi nước mới có điều kiện phát triển”.

Với cái nhìn tích cực, ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao - cũng cho rằng không nên xem nhẹ sự trưởng thành của ASEAN cũng như việc các thành viên sẵn sàng giải quyết những vấn đề gai góc nhất, khó khăn nhất. “Thà không có một tuyên bố chung còn hơn có một tuyên bố chung “xấu” - tức không nêu vấn đề tranh chấp Scarborough và không phản ánh đúng thực trạng an ninh khu vực mà ASEAN đang đối mặt”.

Bên cạnh đó, ông cho rằng chính việc AMM 45 không đưa ra tuyên bố chung chỉ vì tranh chấp biển Đông càng thu hút sự chú ý của cả bên trong và bên ngoài khu vực về cuộc tranh chấp này. Ông cũng dự báo sẽ có những nỗ lực mới, ở cả góc độ đa phương và song phương trong ASEAN để tăng cường thống nhất, đoàn kết nội bộ, thậm chí cải cách thiết chế cần thiết để tránh lặp lại sự kiện như vừa qua ở AMM và đưa ASEAN phát triển đúng hướng.

Tương lai biển Đông được dự báo sẽ còn phức tạp hơn nhiều. “Nhưng nếu Trung Quốc coi các diễn biến vừa qua ở AMM là “thắng lợi” và tiếp tục theo đuổi chính sách quyết đoán hơn thì đây sẽ là một tính toán sai lầm và nguy hiểm.

Trung Quốc cần thấy rằng chính sách cứng rắn của họ đã làm nội bộ ASEAN chia rẽ, tình hình khu vực bất ổn, đẩy các nước khu vực tìm chỗ dựa mới về an ninh. Điều này, xét về mặt dài hạn, cũng đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc cần kiềm chế, ngồi lại cùng ASEAN bàn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), tránh các hành động gây thêm phức tạp tình hình” - ông nói.

“Trung Quốc lại gây chiến với các nước láng giềng”

Báo Wall Street Journal trong bài bình luận ngày 14-7 nhận định ASEAN đã lỡ mất cơ hội để bảo vệ sự đáng tin cậy của mình.

Báo này viết: “Trung Quốc lại gây chiến với các nước láng giềng. Hồi tháng 6-2012 là với Philippines ở bãi cạn gần đảo Luzon. Rồi lại tuyên bố đưa tàu tuần tra sẵn sàng tác chiến ở khu vực tranh chấp. Gần đây nhất là xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản... Nhưng đến nay, các hành động của các nước láng giềng vẫn chưa đủ để dừng thái độ bắt nạt của Bắc Kinh”.

Theo báo này, “cách chắc chắn nhất để gây áp lực với Bắc Kinh đàm phán tìm cách giải quyết hợp lý là ASEAN phải là một mặt trận thống nhất để cho ra được COC với Trung Quốc(...), dù Trung Quốc thích đàm phán song phương để lấn lướt và bắt nạt từng nước láng giềng”.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên