29/06/2012 02:07 GMT+7

Bình mới rượu cũ

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Thủ tướng Đức Angela Merkel - đại diện của động cơ tăng trưởng châu Âu - đã thề sẽ “chiến đấu” đến cùng để giữ quan điểm khác biệt trong Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU).

slNMcPDu.jpgPhóng to

Người biểu tình mang hình nộm của Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Roesler, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Đảng Xã hội dân chủ Sigmar Gabriel (từ trái sang) ra cổng thành Brandenberg để phản đối chính sách chi tiêu công của chính phủ ngày 27-6 - Ảnh: AFP

Theo báo Wall Street Journal, các diễn biến tại Quốc hội Đức cho thấy hội nghị châu Âu trong tối 28 và 29-6 sẽ căng thẳng. Bà Merkel phản đối đề xuất biến nợ công của các nước thành viên khối đồng euro thành trách nhiệm chung của cả khu vực, phản đối phát hành trái phiếu euro và chỉ trích mạnh các đề xuất cải cách khối euro.

Bà tuyên bố sẽ không đầu hàng trước áp lực quốc tế để giải quyết khủng hoảng euro bằng cách phát hành trái phiếu chung nhằm tạo thêm sự gắn kết về tài chính giữa các thành viên trong khối. Bà cho rằng đề xuất của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Ngân hàng châu Âu Mario Draghi là “đầy những sai sót”, và nhấn mạnh sẽ tìm kiếm sự đồng thuận cho ý tưởng của riêng mình ở Brussels (Bỉ).

“Tôi rất không đồng ý với quan điểm trong đề xuất khi đưa ưu tiên nhất thể hóa về tài chính, nhưng lại ít quan tâm tới vấn đề kiểm soát và thực thi cam kết, các bước thực hiện cũng mơ hồ” - bà Merkel nói trong tiếng vỗ tay lớn từ các nghị sĩ Đức có quan điểm bảo thủ - Châu Âu sẽ không chia sẻ trách nhiệm nợ của các nước thành viên nếu tôi còn sống... Sai lầm của quá khứ không thể bị lặp lại. Dùng ý chí chính trị để áp đặt tỉ lệ lãi suất ngang bằng sau khi nó chứng tỏ không hiệu quả trên thị trường là lặp lại sai lầm cũ”.

Bà cho biết các công cụ đề xuất như trái phiếu euro hay quỹ trả nợ chung là vi phạm hiến pháp của Đức, và coi các biện pháp đó “phản kinh tế và không hiệu quả”. Bà yêu cầu các đối tác quốc tế đừng đòi hỏi nhiều vì “sức người cũng có hạn”. “Công việc của chúng ta là phải thuyết phục những người mất niềm tin vào khối euro, không phải bằng cách tự lừa nhau và đưa ra giải pháp giả vờ, mà phải giải quyết được nguyên nhân gây khủng hoảng”.

Các nhà phân tích nhìn nhận Hiến chương tăng trưởng mà một số thành viên châu Âu đề xuất lần này không có gì mới, không vì mục tiêu kinh tế mà vì mục đích chính trị. Tức chủ yếu giúp Tổng thống Pháp François Hollande không bị mất mặt, vì ông đã hứa với cử tri là sẽ đưa ra hiến chương tăng trưởng để giúp giảm nỗi ám ảnh về “sở thích thắt lưng buộc bụng của Đức”. Ông đã đề nghị châu Âu tăng đầu tư thêm 130 tỉ euro. Theo bản dự thảo, các thành viên khối đồng ý đầu tư vào các lĩnh vực vì mục tiêu tương lai và giúp công ty tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.

Tạp chí Đức Spiegel bình luận những người tham gia soạn thảo “đều biết giải pháp đó chỉ là bề ngoài, giúp cử tri bình tĩnh và bình ổn thị trường tài chính”. Còn Daniel Gros, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu tại Bỉ, nhận xét: “Bình mới rượu cũ. Các chính trị gia chỉ muốn thể hiện họ đang xem xét yêu cầu của cử tri rất nghiêm túc, nhưng ảnh hưởng tới kinh tế của hiến chương gần như là không”.

Theo các nhà quan sát, mặc dù trọng tâm hội nghị thượng đỉnh EU là hợp nhất các hiệp ước hiện hành thành “Hiến chương tăng trưởng”, song các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tìm cách xác định tương lai của khu vực đồng euro trong thập kỷ tới, tìm kiếm sự hợp nhất chặt chẽ hơn trong khu vực dưới hình thức một liên minh ngân hàng, trao cho EU quyền kiểm soát các khu vực tài chính và ngân sách của các nước thành viên. Tuy nhiên, khả năng EU đạt được các mục tiêu này là xa vời.

Trong khi đó, thực tế nghiệt ngã là Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy vừa tuyên bố nước này không còn trụ nổi với lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm đã lên đến mức hơn 6,8%, tức ngưỡng lãi suất buộc Hi Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland phải ngửa tay xin cứu trợ vỡ nợ. Ông Rajoy cũng cho biết nhiều thể chế và thực thể tài chính của Tây Ban Nha không còn khả năng tiếp cận thị trường, và vấn đề lãi suất cao không chỉ đe dọa Tây Ban Nha mà cả Ý và một số nước châu Âu khác.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên