27/06/2012 06:01 GMT+7

Châu Âu: vẫn mãi là điệp khúc cứu trợ

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Châu Âu bắt đầu một tuần mới đầy ảm đạm khi Tây Ban Nha và Cyprus trở thành quốc gia thứ tư và thứ năm trong khối đồng euro phải ngửa tay đi xin cứu trợ.

abFUj2D7.jpgPhóng to
Người Tây Ban Nha biểu tình phản đối cứu trợ ngân hàng - Ảnh: AFP

Theo báo Wall Street Journal, hôm 25-6 Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Luis de Guindos đã chính thức đề nghị khối đồng euro hỗ trợ các ngân hàng nước này. Trước đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thỏa thuận cho Tây Ban Nha vay 100 tỉ euro (125 tỉ USD). Sau đó, chính quyền Cyprus xác nhận đã xin cứu trợ. Nguồn tin các báo Phileftheros và Politis cho biết nền kinh tế trị giá 17,3 tỉ euro (21,6 tỉ USD) cần ít nhất 6-10 tỉ euro (7,5-12,5 tỉ USD).

Như vậy, hơn 1/4 các nước khối đồng euro đã trở thành con bệnh nằm trong phòng cấp cứu và sống ngắc ngoải bằng máy thở. Cả Tây Ban Nha và Cyprus đều đề nghị khối đồng euro bơm thẳng số tiền cứu trợ vào các ngân hàng hai nước. Như vậy, EU sẽ không thể yêu cầu chính quyền Tây Ban Nha và Cyprus áp dụng các biện pháp cắt giảm ngân sách khắc khổ giống như đối với Ireland hay Hi Lạp.

Chẳng có gì thay đổi

Theo tạp chí Forbes, trong những năm qua, các ngân hàng Tây Ban Nha đã ồ ạt cho vay địa ốc và lỗ nặng khi bong bóng bất động sản tan vỡ. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã hạ định mức tín nhiệm của 28 ngân hàng Tây Ban Nha xuống từ 1-4 bậc. Nhiều chuyên gia tài chính chỉ trích gói cứu trợ ngân hàng do chính quyền Madrid đề nghị không khác gì chuyển lỗ từ hầu bao ngân hàng sang hầu bao nhà nước. Tỉ lệ nợ trên GDP của Tây Ban Nha có thể tăng vọt từ 68,5% lên 77%, thậm chí trên 80%.

Khi đó, Tây Ban Nha sẽ càng khó đi vay nợ với mức lãi suất phải chăng. AFP cho biết mới đây mức lãi suất Tây Ban Nha phải trả cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên 6,64%. Trên trang CNN Money, một số nhà quan sát nhận định sớm muộn gì Chính phủ Tây Ban Nha cũng sẽ phải xin cứu trợ trực tiếp từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kiểu như Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Với GDP cao gấp đôi các quốc gia này cộng lại, một cuộc giải cứu Tây Ban Nha có thể khiến khối đồng euro tan vỡ.

“Dù gói giải cứu này có thể giúp các ngân hàng Tây Ban Nha, nhưng tình hình cơ bản ở nước này không khác gì so với một tuần trước đây - báo Anh Daily Mail dẫn lời nhà kinh tế Graeme Leach thuộc Viện Giám đốc ở London nhận định - Tương lai của đồng euro vẫn là một dấu hỏi. Tình hình Hi Lạp và Tây Ban Nha vẫn có thể làm khối đồng euro tan vỡ”.

So với Tây Ban Nha, vấn đề Cyprus nhỏ bé hơn nhiều nhưng càng cho thấy sự bất ổn của khối đồng euro. Ngoài ra, theo Daily Mail, gói giải cứu Tây Ban Nha và Cyprus đang khiến chính phủ và dư luận các nước Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha tức giận. Bởi Tây Ban Nha không phải thắt lưng buộc bụng một cách cùng khổ như họ. Một số chuyên gia dự báo các nước này có thể đòi thương thuyết lại với EU và IMF về điều kiện cứu trợ.

Hội nghị vô vọng

Trong hai ngày 28 và 29-6, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) để bàn giải pháp ngăn chặn khủng hoảng nợ lan rộng. Tuy nhiên, theo New York Times, giới quan sát dự báo đây sẽ lại là một hội nghị bế tắc và vô vọng, bởi sẽ chẳng có giải pháp gì mới được đưa ra. Các nhà lãnh đạo châu Âu, như báo Der Spiegel nhận xét, vẫn “đang chia rẽ về những vấn đề mấu chốt”, nên một sự cứu trợ cần thiết cho đồng euro là “quá yếu ớt và quá chậm chạp”.

Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Ý Mario Monti trước đó đã kêu gọi khối đồng euro cùng phát hành trái phiếu chung và cùng bảo đảm tiền gửi ở các ngân hàng khu vực. Nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ các sáng kiến này khi mô tả đây là các biện pháp “sai lầm về mặt kinh tế và phản tác dụng”. Thủ tướng Đức kêu gọi châu Âu tiếp tục thắt chặt kiểm soát tài chính và cải tổ kinh tế.

Ngoài ra, theo AFP, Thủ tướng Hi Lạp Antonis Samaras sẽ không có mặt do phải đi phẫu thuật mắt, còn Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Vassilis Rapanos lại vừa từ chức vì lý do sức khỏe. Vai trò của Athens ở hội nghị hoàn toàn bỏ ngỏ. Do đó, không chuyên gia kinh tế nào kỳ vọng hội nghị Brussels đem lại một giải pháp đột phá thật sự.

Thị trường cũng chia sẻ sự bi quan đó. Theo Reuters, trong phiên giao dịch hôm 26-6, đồng euro tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng sáu tháng qua. Hiện 1 euro đổi được 1,25 USD. Giá dầu tiếp tục giảm 0,3% xuống còn 78,96 USD/thùng. Chứng khoán châu Á và châu Âu cũng đồng loạt giảm. Ngược lại, giá vàng tăng từ 1.569 USD/ounce hôm 25-6 lên 1.585,9 USD/ounce do giới đầu tư lựa chọn kênh an toàn để tránh những bất ổn từ khủng hoảng nợ châu Âu.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên