21/06/2012 07:55 GMT+7

Thế giới có gần 27 triệu nô lệ

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Gần 27 triệu người trên toàn thế giới đang sống như những nô lệ hiện đại, theo báo cáo thường niên về tình trạng buôn người do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 19-6.

g1HVyVNo.jpgPhóng to
Công nhân được mô tả làm việc như nô lệ tại một điểm khai thác than lậu ở Brazil - Ảnh: Getty Images

Trong bối cảnh nước Mỹ đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 150 năm ngày giải phóng nô lệ, Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu rõ: “Chế độ nô lệ đã bị xóa bỏ ở Mỹ vào năm 1865 và nhiều nước khác, nhưng không có nghĩa là tình trạng nô lệ đã chấm dứt trên toàn thế giới”. Bà Clinton nhấn mạnh các nước cần thực thi các biện pháp chống nạn buôn người, trong đó có việc tăng cường điều tra và khởi tố cũng như thiết lập các cơ chế giúp đỡ nạn nhân.

“Những nạn nhân của nô lệ hiện đại, những câu chuyện của họ nhắc nhở chúng ta về sự đối xử vô nhân tính..., rằng cuộc chiến chống nạn nô lệ vẫn chưa chấm dứt - AFP dẫn lời bà Clinton nói - Những kẻ buôn người luôn gieo hi vọng và giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn nên mục tiêu của chúng ta là đưa những hi vọng, những giấc mơ ấy trở lại tầm với”.

Bản báo cáo, đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, với sự hỗ trợ của các sứ quán Mỹ, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm cứu trợ và các cá nhân trên toàn cầu, đã “đánh giá chân thực và rõ ràng” nạn buôn người và những nỗ lực của các quốc gia trong việc ngăn chặn tình trạng này. Hơn một nửa “nô lệ” đến từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á, trong đó hầu hết bị nô dịch bởi các chủ lao động tư nhân, bị ép làm mại dâm hay bị bóc lột sức lao động.

Những điểm nóng châu Á, Phi

“Một thế kỷ rưỡi sau chiến thắng của tự do ở Mỹ, sự tự do này vẫn còn là một ảo mộng với hàng triệu triệu người trên thế giới” - bà Hillary viết trong lời tựa của báo cáo.

Ngày 1-6, Tổ chức Lao động quốc tế đã công bố gần 20,9 triệu người, trong đó gần 1/4 là dưới 18 tuổi, đang bị cưỡng bức lao động.

Nhưng theo ông Luis C. deBaca - người phụ trách về cuộc chiến chống buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, con số này lên đến 27 triệu người “theo nhiều nguồn ước tính khác”. Mỗi năm có gần 1 triệu người bị bán qua biên giới.

Mỹ cho biết chỉ 33 trên 186 quốc gia đáp ứng được các tiêu chuẩn luật, như Tuyên ngôn toàn cầu về nhân quyền, nhằm chấm dứt tình trạng buôn người.

Những nước nằm cuối bảng đánh giá chủ yếu thuộc các khu vực châu Á, châu Phi như Algeria, CH Congo, Libya, Iran, Syria, CHDCND Triều Tiên. Syria được đánh giá là một trong những điểm nóng buôn người năm nay, bởi “chính quyền Syria không hề áp dụng các biện pháp nhằm loại bỏ việc buôn người và không hề có một nỗ lực nào theo hướng này”, như báo cáo vạch rõ. Syria đang trở thành điểm trung chuyển của các đường dây buôn bán phụ nữ từ Iraq, các quốc gia Đông Nam Á, Đông Phi sang châu Âu làm gái mại dâm. Hàng ngàn phụ nữ tại Syria cũng bị cưỡng bức lao động do tình trạng bạo lực leo thang.

Nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ nằm trong nhóm đầu nhưng ngay cả những nước phát triển nhất cũng có nạn buôn người. Chẳng hạn, Mỹ cũng đang đau đầu với nạn buôn phụ nữ từ Mexico và các nước Mỹ Latin vào Mỹ làm gái mại dâm.

Tuy nhiên, có 29 quốc gia tăng hạng trong năm nay nhờ “các chính phủ đang có những bước đi đúng đắn”. Số nạn nhân được phát hiện và được các chính phủ giúp đỡ tăng gần 30%, trong khi số vụ truy tố cũng tăng 10%.

Những anh hùng chống buôn người

Buôn người không chỉ đơn giản là đưa người qua biên giới mà đang trở nên phức tạp hơn và biến hóa dưới nhiều dạng. “Nô lệ hiện đại” có thể là một lao động nhập cư bị lừa ra nước ngoài với lời hứa về một công việc lương cao để rồi sau đó bị cướp mất hộ chiếu và mất tự do. Họ có thể là những người bị cưỡng ép lao động mà không có quyền lựa chọn. Ngay tại những thành phố của Mỹ như Kansas, Charlotte, Sacramento, người ta cũng còn tìm thấy những người bị ép làm việc trong các khách sạn, hoặc rửa chén, mại dâm...

Cuộc chiến chống nô lệ hiện đại vẫn còn rất dài khi nó mang lại một món lợi khổng lồ lên đến 30 tỉ USD/năm, tương đương giá trị ngành công nghiệp sữa của Mỹ. Các chuyên gia cũng nhận định vấn nạn này đang phát triển chứ không suy giảm. Nhưng ông C.deBaca hi vọng những tấm gương anh hùng, từ Argentina đến Campuchia, và cuộc chiến chống buôn người của họ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến toàn cầu.

“Anh hùng” Prom Vannak Anan, người Campuchia, là một trong 10 anh hùng được vinh danh. Anh từng là nạn nhân bị lừa làm việc cho một chủ tàu người Thái Lan trong bốn năm, bị buộc làm việc không lương, bị đánh đập và giam hãm. Năm 2009, sau bốn năm lao động, Anan quyết định nhảy tàu bỏ trốn. Nhưng tại Malaysia, anh tiếp tục bị chính cảnh sát bán trở lại làm “nô lệ” và mất tiếp một năm để tìm đường về nhà. Anan hiện là một nhà đấu tranh tích cực với những hoạt động giúp nâng cao nhận thức cho người dân về nạn buôn người. Trong khi đó, anh hùng Gary Haugen, lãnh đạo Tổ chức Sứ mệnh công lý quốc tế, cũng đã giúp hàng ngàn nạn nhân và góp phần truy tố những kẻ buôn người tại nhiều nước.

Washington cho biết thế giới cần sự hỗ trợ hơn nữa về tài chính cho các nạn nhân buôn người, cải thiện hệ thống kỹ thuật giúp đánh giá và nhận diện nạn nhân, giúp các doanh nghiệp tránh nạn nô lệ. Nhưng quan trọng không kém là việc đối xử với các nạn nhân theo đúng nghĩa là nạn nhân chứ không phải là tội phạm. “Họ là nạn nhân của tội ác, họ có quyền con người và cần được bảo vệ” - Bradley Myles thuộc dự án chống buôn người Polaris tại Mỹ nhấn mạnh.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên