18/06/2012 07:27 GMT+7

Châu Âu đối mặt "khoảnh khắc Lehman"

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Niềm vui của người Hi Lạp với việc đội tuyển bóng đá của họ lọt vào tứ kết Euro 2012 không kéo dài. Hôm qua 17-6, khoảng 9,8 triệu cử tri Hi Lạp đã đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội với tâm trạng nặng trĩu lo âu.

Hi Lạp bầu cử lại, châu Âu lo sợHi Lạp bầu cử lại, khó dự đoán kết quả

QG1iorHY.jpgPhóng to
Người dân Hi Lạp bỏ phiếu với tâm trạng hoang mang, lo lắng - Ảnh: AFP

Báo chí địa phương mô tả đây là thời điểm quan trọng nhất tại Hi Lạp kể từ khi chính quyền quân sự sụp đổ năm 1974. “Người Hi Lạp bỏ phiếu bầu trong mối nguy hiểm rằng đất nước sẽ rời khối đồng euro” - tạp chí To Vima viết.

Theo báo Wall Street Journal, các khảo sát cho thấy đây là cuộc đua cực kỳ gay cấn giữa đảng bảo thủ Dân chủ mới và đảng chống thắt lưng buộc bụng Syriza. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều khẳng định chính phủ mới tại Athens phải tôn trọng các điều kiện của gói giải cứu 130 tỉ euro (164 tỉ USD), nếu không sẽ cắt nguồn tiền, đẩy Hi Lạp vào vực thẳm phá sản.

Kết quả thăm dò công bố tối 17-6 ngay sau khi chấm dứt bỏ phiếu cho thấy Đảng Dân chủ mới và Đảng Syriza nhận được sự ủng hộ gần như ngang nhau. Theo đó, Đảng Dân chủ mới nhận được 27,5-30,5% phiếu bầu, hơn nửa điểm so với 27-30% phiếu của Đảng Syriza. Đảng Pasok nhận được 10-12% phiếu.

Vẫn muốn ở lại khối đồng euro

Các khảo sát cho thấy người dân Hi Lạp rất bức xúc với việc chính phủ tăng thuế, cắt giảm lương, an sinh xã hội để nhận cứu trợ, nhưng 80% cử tri vẫn muốn ở lại khối đồng euro. “Đây là lần đầu tiên tôi bỏ phiếu mà lòng nặng trĩu - Reuters dẫn lời cử tri Koula Louizopoulou, 66 tuổi, sống ở Athens - Tôi bỏ phiếu chọn Đảng Dân chủ mới bởi muốn quốc gia tiếp tục ở lại khối đồng euro”. Cử tri Emmanuel Kamkoukis, 68 tuổi, thừa nhận Athens không thể bác bỏ thỏa thuận đã ký.

Chiến thắng của Đảng Dân chủ mới đồng nghĩa với việc Hi Lạp tạm thời thoát nguy cơ rời khối đồng euro. Ngược lại, nếu giành chiến thắng, Đảng Syriza sẽ đòi thương thuyết lại với EU và IMF về các điều kiện của gói giải cứu, mở cánh cửa đẩy Hi Lạp ra khỏi khối đồng euro. Theo báo Anh Guardian, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick mô tả việc Hi Lạp rời khối đồng euro sẽ là “khoảnh khắc Lehman” đối với châu Âu.

Năm 2008, sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers đã châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Giới chuyên gia lo ngại việc một quốc gia rời khối đồng euro có thể khiến các nền kinh tế yếu khác bỏ đi theo. Khi đó, mọi áp lực sẽ đổ dồn lên hai nền kinh tế châu Âu đang ngập trong nợ nần là Tây Ban Nha và Ý. Nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào khủng hoảng. Nền kinh tế khỏe mạnh duy nhất trong khối đồng euro là Đức sẽ không đủ sức để cứu cả Tây Ban Nha và Ý.

Ngược lại, nhiều cử tri Hi Lạp tuyên bố vẫn bỏ phiếu cho Đảng Syriza vì tin rằng EU, IMF sẽ phải đồng ý thương thuyết do không dám để Athens rời khối đồng euro. Nguồn tin báo New York Times cho biết EU, IMF chỉ sẵn sàng cho Hi Lạp thêm thời gian để trả nợ, chứ không thay đổi yêu cầu bắt buộc là Athens phải thắt lưng buộc bụng. Mới đây Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi chính phủ mới của Hi Lạp tôn trọng các cam kết cũ.

Không có người thắng

Theo Wall Street Journal, dù kết quả cuộc bầu cử thế nào thì ở Hi Lạp cũng không có ai giành chiến thắng. Kể cả khi vượt qua Đảng Syriza thì Đảng Dân chủ mới vẫn phải đàm phán lại với EU và IMF. Bởi tất cả các đảng và dư luận Hi Lạp đều đánh giá chương trình thắt lưng buộc bụng của Athens quá ngặt nghèo, khiến nền kinh tế đất nước lún sâu thêm vào suy thoái.

AFP cho biết một số doanh nghiệp và ngân hàng quốc tế lớn đã tìm cách rút khỏi Hi Lạp. Mới đây, tập đoàn bán lẻ lớn nhất của châu Âu là Carrefour tuyên bố bán chi nhánh ở Hi Lạp. Ngân hàng Pháp Credit Agricole lấy lại quyền kiểm soát các chi nhánh ở Albania, Bulgaria và Romania từ ngân hàng chi nhánh ở Hi Lạp Emporiki.

Quan trọng hơn, giới chuyên gia cho rằng việc Hi Lạp không rời khối đồng euro cũng sẽ chỉ tạm thời giảm bớt áp lực lên đồng tiền chung châu Âu. Trong vài ngày qua, lãi suất mà Tây Ban Nha phải trả khi vay tiền bằng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên đến gần 7% dù các ngân hàng Tây Ban Nha vừa nhận cứu trợ 100 tỉ euro (126 tỉ USD). Lãi suất trái phiếu Ý cũng dao động trên 6,1%.

Trang CNN Money dẫn lời giáo sư tài chính Jeffrey Bergstrand thuộc ĐH Notre Dame khẳng định ưu tiên của châu Âu không phải cứu Hi Lạp mà là ngăn chặn khủng hoảng lan rộng sang Tây Ban Nha và Ý, hai nền kinh tế lớn trong khối đồng euro. Tỉ lệ nợ trên GDP của Tây Ban Nha có thể tăng lên 90% vào cuối năm nay. Ý cũng đang nợ 120% GDP và tăng trưởng quá yếu ớt để làm ra đủ tiền trả nợ.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên