15/06/2012 19:49 GMT+7

Tòa án tối cao Ai Cập giải tán quốc hội

H.N. (Theo BBC, Reuters)
H.N. (Theo BBC, Reuters)

TTO - Hai ngày trước khi diễn ra vòng bầu cử tổng thống Ai Cập vòng 2, tòa án tối cao nước này đã giải tán quốc hội - nơi những người Hồi giáo chiếm đa số, khẳng định cuộc bầu cử năm 2011 là “vi hiến”.

LYrvGEYY.jpgPhóng to

Người bán hàng rong và người biểu tình tại quảng trường Tahrir ngày 15-6 phản đối Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang tiếp tục nắm quyền sau phán quyết bị cho là "phản cách mạng" của tòa án hiến pháp tối cao - Ảnh: AFP

Đây là một "cú đấm" mạnh vào lực lượng Tổ chức anh em Hồi giáo đối lập khi lực lượng này đang hi vọng lấy lại quyền lực sau khi bị cấm hoạt động dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak.

Các lực lượng đối lập và Tổ chức anh em Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích quyết định của tòa án, bởi vì họ sẽ mất nhiều vị trí chính trị vừa có được 16 tháng nay, sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ.

Quyết định của tòa án hiến pháp tối cao do các thẩm phán được ông Mubarak chỉ định đưa ra đã tạo bước ngoặt trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổ chức anh em Hồi giáo và Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (Scaf - hội đồng quân sự lên nắm quyền sau khi ông Mubarak bị lật đổ).

Tổ chức anh em Hồi giáo không chỉ mất quyền lực trong quốc hội, mà còn chứng kiến ứng viên tổng thống có sự hậu thuẫn của quân đội Ahmad Shafiq, được thêm nhiều sự ủng hộ.

Ứng viên tổng thống của Tổ chức anh em Hồi giáo Mohamed Morsi cho biết quyết định của tòa án phải được tôn trọng, nhưng sau đó ông nhận định một số người ở Ai Cập “đã chơi trò bẩn chống lại nhân dân”.

Tổ chức anh em Hồi giáo giành gần một nửa số ghế trong quốc hội sau bầu cử năm 2011, nhưng nay cuộc bầu cử đó đã bị cho là “vi hiến”. Quyết định của tòa án có nghĩa quyền lập pháp hiện trở về tay của Scaf. Lực lượng này sẽ nắm quyền cho tới khi tổng thống được bầu, và bây giờ tùy vào Scaf quyết định khi nào các cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức.

Dự kiến cuối tuần này, hai ứng viên tổng thống Shafiq và Morsi sẽ đối mặt nhau trong vòng 2 cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, chưa rõ quyết định ngày 14-6 của tòa án có khiến đất nước Ai Cập rơi vào hỗn loạn vì người dân tiếp tục xuống đường tuần hành phản đối hay không.

Hàng trăm người đã tập trung ở quảng trường Tahrir (Cairo) sau phán quyết để thể hiện sự tức giận.

Trước đó, Bộ Tư pháp đã ra quyết định cho phép cảnh sát, quân đội và tình báo quyền bắt giữ dân thường. Đây là lệnh gần giống như luật khẩn cấp mà Ai Cập vừa dỡ bỏ.

H.N. (Theo BBC, Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên