13/04/2012 07:58 GMT+7

Đối mặt Romney - Obama

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Ứng cử viên Cộng hòa Rick Santorium cuối cùng đã ngừng cuộc chơi vào ngày 10-4, mở đường cho đối thủ Mitt Romney. Nhưng Mitt Romney sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức to lớn.

chGme3ww.jpgPhóng to

Ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney - Ảnh: Reuters

Quyết định của cựu nghị sĩ Rick Santorium chắc chắn sẽ giúp đưa ông Romney trở thành ứng cử viên chính thức của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2012. Hai ứng viên khác còn tiếp tục cuộc đua là nghị sĩ Ron Paul và cựu chủ tịch hạ viện Newt Gingrich, nhưng như báo Washington Post cho biết, họ đều đã bị ông Romney bỏ lại quá xa phía sau.

Giới quan sát nhận định cựu thống đốc bang Massachusetts vượt qua được các đối thủ ở Đảng Cộng hòa nhờ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Tính đến hết tháng 2, như trang The Ticke cho biết, ông Romney đã vận động được tới 74 triệu USD tiền quyên góp, vượt xa con số 15,6 triệu USD của ông Santorium. Siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) của ông Romney đã chi tới 20 triệu USD riêng cho các quảng cáo chỉ trích đối thủ chính này của mình.

Giờ đây, cuộc đua quyết liệt vào Nhà Trắng có thể bắt đầu với một bên là tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ - người đã bị lung lay sau ba năm rưỡi qua bởi cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng vẫn còn đứng vững - và một bên là ứng cử viên Mitt Romney - người có tham vọng trở thành nhà doanh nghiệp số 1 ở Nhà Trắng.

Nhưng để cạnh tranh với Tổng thống Obama, theo giới quan sát, ông Romney phải vượt qua hai thách thức cực lớn. Thứ nhất, thống nhất được đảng và cử tri Cộng hòa vốn đang bị chia rẽ sâu sắc. Thứ hai, rũ bỏ được hình ảnh một “đại gia” giàu có, coi thường người nghèo mà Đảng Dân chủ và giới truyền thông mô tả.

Đảng Cộng hòa chia rẽ

Trang Politico bình luận nhiệm vụ đầu tiên ông Romney phải thực hiện là giúp Đảng Cộng hòa tìm lại sự thống nhất. Là ứng cử viên Cộng hòa giàu có nhất, chiến dịch tranh cử được tổ chức tốt nhất, các đối thủ thì cũng “thường thường bậc trung”, nhưng ông Romney đã phải mất nhiều tháng trời mới có thể dứt điểm nổi cuộc chiến nội bộ. Điều đó cho thấy cử tri Cộng hòa còn chưa thật sự tin vào ông.

“Nếu Romney phải đối mặt với một đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh, có thể Đảng Cộng hòa đã lựa chọn một người khác” - trang The American Prospect dẫn lời nhà phân tích Jamelle Bouie nhận định. Thăm dò dư luận của CNN cho thấy tỉ lệ cử tri Mỹ ủng hộ Romney chỉ khoảng 37%. Còn theo thăm dò của ABC News/Washington Post, tương quan giữa Obama và Romney hiện rất chênh lệch: 51%-44%.

Theo CBS News, các cử tri Cộng hòa theo đường lối bảo thủ cho rằng ông Romney theo đường lối ôn hòa quá giống ông Obama. Năm 2006, khi còn là thống đốc bang Massachusetts, ông đã ký thông qua luật cải tổ y tế bị phe bảo thủ Cộng hòa chỉ trích là không khác gì luật cải tổ y tế của ông Obama. Trước đó, các đối thủ của Romney liên tục chỉ trích ông là “quá ôn hòa”, “giống hệt Obama”. Thậm chí họ còn công khai ý tưởng: “Chọn ai (trong Đảng Cộng hòa) cũng được, miễn không phải Romney”.

Giàu quá cũng khổ

Theo trang Politico, do từng là một doanh nhân, ông Romney hiện có tài sản được ước tính lên đến 190-250 triệu USD, vượt xa Tổng thống Obama (tài sản từ 1,8-12 triệu USD). Trong hai năm qua, ông Romney kiếm được tới 45 triệu USD. Không lạ gì khi ông, cũng giống các thành viên Đảng Cộng hòa khác, luôn kịch liệt phản đối kế hoạch tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 1 triệu USD/năm lên 30% của Tổng thống Obama.

Do vậy, ông Romney thường bị Đảng Dân chủ mô tả là một tay tài phiệt tàn nhẫn, chỉ chăm chăm tìm cách bảo vệ giới nhà giàu. Ông Romney rất tự hào với thời kỳ làm lãnh đạo Công ty chứng khoán Bain Capital và khẳng định đó là cơ sở cho thấy ông rất am hiểu về kinh tế, một vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ hiện nay. Về điểm này, ông Romney bị Đảng Dân chủ vạch trần là vào thời kỳ đó, ông Romney lại chuyên làm nhiệm vụ tái cơ cấu các công ty, nghĩa là chuyên sa thải người lao động, đẩy họ ra đường phố. Mà thất nghiệp lại đang là nỗi nhức nhối lớn nhất của cử tri Mỹ hiện nay.

Những phát ngôn vung vít, hớ hênh, lúc này lúc khác của bản thân ông Romney càng khiến ông bị chết tiếng là “nhà giàu khoe mẽ”. Chẳng hạn, khi tranh luận với thống đốc Texas Rick Perry hồi tháng 12-2011, ông tuyên bố đòi đặt cược 10.000 USD với ông Perry. Một lần thảo luận về dịch vụ bảo hiểm y tế hồi tháng 1-2012, ông Romney lại lớn tiếng khẳng định ông “thích việc đích thân mình có thể sa thải những người cung cấp dịch vụ” cho ông.

Gần đây, giới truyền thông Mỹ lại có dịp bêu riếu khi ông Romney tuyên bố “không quan tâm đến người nghèo vì họ đã có mạng lưới an sinh xã hội”. Tháng trước, cư dân mạng lại được dịp xả bức xúc về khoảng cách giàu nghèo khi một số tờ báo đưa tin ông Romney đang lên kế hoạch sửa chữa căn biệt thự ven biển của ông ở San Diego, trong đó có việc xây một gara chứa bốn xe hơi, trong gara có thang máy để đưa xe lên các tầng khác nhau.

Nhiều nhà quan sát không tin rằng ông Romney đủ sức đánh bại Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử vào tháng 11-2012.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên