19/01/2012 09:06 GMT+7

Chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012-2013 khi nhận định “nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn đầy chông gai”.

fFbeQhyQ.jpgPhóng to
Chuẩn bị cho năm con rồng tại Vũ Hán, Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày 18-1-2012 - Ảnh: AFP

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” vừa được xuất bản (hai năm một lần), WB cho rằng thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc khủng hoảng nợ công của khối đồng euro, cộng với triển vọng tăng trưởng chậm chạp của các nền kinh tế đang nổi lên.

WB: tâm chấn của cuộc suy thoái toàn cầu và cơn rúng động

Với các nhà phong thủy, năm 2012 là năm không bền vững đối với kinh tế toàn cầu khi bóng ma khủng hoảng châu Âu vẫn còn lởn vởn, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên còn tràn lan. Thế nhưng, các cải cách chính trị sẽ diễn ra rộng khắp thế giới. Năm 2012, rồng kết hợp với yếu tố thủy (nước) trở thành một sức mạnh khống chế sức mạnh thiên nhiên cũng như chính trị và sẽ dập tắt ngọn lửa lạc quan về kinh tế.

Kinh tế toàn cầu sẽ tăng 2,5% trong năm 2012 và 3,1% trong năm 2013, giảm so với mức dự báo hồi tháng 6-2011 ở 3,6% cho cả hai năm 2012 và 2013. WB nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nợ công của khối đồng euro sẽ gây ra hậu quả tiêu cực dây chuyền trong hệ thống tài chính toàn cầu và có thể đẩy thế giới trở lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Báo cáo cho biết cuộc suy thoái toàn cầu sẽ lại diễn ra với tâm chấn là các nước giàu, nhưng các nước đang phát triển cũng cảm nhận được sự rúng động của nó thông qua giao thương, giá hàng hóa, kiều hối.

WB dự báo Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay do đang dần phục hồi, còn Nhật Bản sẽ tăng 1,9%. Trung Quốc vẫn là động cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dù mức tăng trưởng sẽ giảm còn 8,4% so với ước tính 9,1% trong năm 2011.

Bức tranh suy giảm tương tự cũng có thể sẽ được Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra khi tổ chức này công bố dự báo về kinh tế thế giới trong tuần tới.

WB khuyến cáo các chính phủ cần chuẩn bị cho một tương lai gần tương tự với thời kỳ sau vụ sụp đổ của ngân hàng tín dụng Lehman Brothers vào năm 2008. “Khủng hoảng sẽ gia tăng mà không chừa một ai” - Andrew Burns, giám đốc bộ phận kinh tế vĩ mô của WB, tác giả của bản báo cáo, nhấn mạnh và khuyến cáo các nước đang phát triển cần chuẩn bị cho điều xấu đến gần, bằng cách kiểm soát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách quốc gia và “sức khỏe” của các ngân hàng.

Liên Hiệp Quốc: Thế giới đứng trước bờ vực suy thoái mạnh

Cũng như WB, trong báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2012 (WESP)” của mình, Liên Hiệp Quốc cảnh báo kinh tế thế giới đang đứng trước bờ vực suy thoái mạnh trong năm 2012 và 2013. Theo WESP, kinh tế toàn cầu chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% trong năm 2012 và 3,2% trong năm 2013, so với 4% năm 2010. Các nước phát triển có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái vì những vấn đề như nợ công lớn, tài chính bấp bênh, nhu cầu thấp và chính sách yếu. Tất cả vấn đề này đã có sẵn và chỉ cần một yếu tố xấu đi cũng đủ gây ra sự hỗn loạn nghiêm trọng về tài chính, tăng trưởng kinh tế sụt giảm.

Liên Hiệp Quốc ước tính thế giới thiếu 64 triệu việc làm trong năm 2011. Tỉ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển trung bình lên đến 8,3% trong năm 2011, cao hơn nhiều so với 5,8% thời kỳ tiền khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tình trạng này sẽ kéo dài, tác động bất lợi tới người lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Châu Á: đầu tàu kinh tế thế giới

Theo Ngân hàng Natixis (Pháp), châu Á đã trở thành đầu tàu kinh tế của thế giới, kéo tỉ lệ tăng trưởng toàn cầu không là con số âm. Theo nhà nghiên cứu Pháp Christophe Jaffrelot tại Viện nghiên cứu quốc tế CERI, sáu trong số 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nằm ở khu vực châu Á, và sáu nền kinh tế này chiếm tỉ trọng gần 1/4 GDP toàn cầu, tạo ra lượng của cải tương đương Mỹ và xấp xỉ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu cộng lại.

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, xuất khẩu của châu Á chỉ tương đương 14% tổng trao đổi thương mại toàn cầu, nhưng đến năm 2009 tỉ lệ này đã tăng lên gấp đối, chiếm tới 30%. Thành công trong lĩnh vực thương mại đã giúp nhiều nước châu Á trở thành những “đại gia” tài chính với hơn 50% dự trữ ngoại tệ thế giới thuộc về châu Á, và đưa trung tâm kinh tế của thế giới dịch chuyển về khu vực.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên