16/01/2012 04:35 GMT+7

Châu Âu thề cải tổ

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Sau cú sốc Hãng Standard & Poor’s (S&P) hạ định mức tín nhiệm chín quốc gia khối đồng euro, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cam kết thúc đẩy cải tổ tài chính và thắt chặt chi tiêu.

udRPRiyD.jpgPhóng to

Châu Âu bắt đầu đặt câu hỏi về quyền lực quá lớn của ba “đại gia” xếp hạng tín dụng S&P, Fitch và Moody’s - Ảnh: AFP

Trên trang Daily Beast, nhà kinh tế Mỹ Zachary Karabell nhận định ba hãng xếp hạng tín dụng S&P, Fitch và Moody’s, với chỉ vài trăm nhân viên, có thể khuynh đảo sự ổn định của cả hệ thống tài chính toàn cầu.

“Đặt sự ổn định của một hệ thống ảnh hưởng đến hàng tỉ người lên vai của những cá nhân không được ai bầu, hoạt động vì lợi nhuận tại ba công ty tư nhân là ngu xuẩn và đáng sợ” - nhà kinh tế Karabell khẳng định.

“Châu Âu sẽ phải đi một con đường rất dài phía trước” - tạp chí Der Spiegel dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định. Bà Merkel kêu gọi lãnh đạo các nước EU nhanh chóng thông qua thỏa thuận ký hồi tháng 12-2011 về việc thành lập liên minh tài chính. Thủ tướng Đức nhấn mạnh EU sẽ phải triển khai quỹ giải cứu Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) 500 tỉ euro (633 tỉ USD).

Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Pháp Franc5ois Fillon cho biết Paris sẽ thúc đẩy cải tổ, bao gồm các biện pháp thắt lưng buộc bụng, để giảm nợ. Bộ trưởng Tài chính Áo Maria Fekter mô tả động thái của S&P là “lời cảnh tỉnh” đối với Áo, buộc quốc gia này phải quyết tâm thắt chặt chi tiêu để giảm nợ và thâm hụt. Pháp và Áo là hai nước mất định mức vàng AAA.

Ngược lại, Thủ tướng Ý Mario Monti nhận định thắt lưng buộc bụng vẫn không đủ để chống khủng hoảng nợ, châu Âu cần “các nỗ lực ở tầm quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm”. Ngày 30-1, các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) bàn triển khai ESM cũng như các kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, kế hoạch thành lập liên minh tài chính vẫn sẽ là chủ đề trọng tâm.

Giới quan sát nhận định cú đòn của S&P đã gây sức ép lớn lên các nhà lãnh đạo EU. Thị trường đòi hỏi họ phải đưa ra một giải pháp vững vàng, đáng tin cậy để chống khủng hoảng nợ. “Đây thực tế là cú hạ định mức tín nhiệm khả năng quản trị khủng hoảng của khối đồng euro - AFP dẫn lời chuyên gia Sony Kapoor thuộc Hãng nghiên cứu Re-Define - S&P đã cảnh báo các nhà lãnh đạo EU từ trước, nhưng họ lãng phí một tháng qua mà không đưa ra bất cứ chiến lược chống khủng hoảng nào”.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến chỉ trích việc S&P hạ tín nhiệm các nước trong thời điểm Ý và Tây Ban Nha mới bán đấu giá thành công trái phiếu chính phủ. Theo Reuters, thủ tướng Cyprus cho rằng quyết định của S&P là “độc đoán” và “vô lý”. Cao ủy kinh tế và tiền tệ châu Âu Olli Rehn cho rằng các lần hạ tín nhiệm của S&P mâu thuẫn nhau.

Trên trang Publicserviceeurope, giáo sư John Ryan thuộc Trường Kinh tế London đặt câu hỏi: “Ai đánh giá định mức tín dụng của ba hãng xếp hạng tín dụng?”. Giáo sư Ryan chỉ ra rằng S&P, Fitch và Moody’s đã xếp hạng tín dụng sai các sản phẩm tài chính hồi trước năm 2002, góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng 2008.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên