15/01/2012 07:14 GMT+7

Khối đồng euro rơi lại vào khủng hoảng

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Thứ sáu ngày 13-1 đúng là một ngày đen tối khi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) công bố hạ mức tín nhiệm của chín quốc gia thuộc khối đồng euro.

Một báo hiệu tương lai khó khăn hơn nữa cho kinh tế khu vực này và thế giới.

zzuGz19O.jpgPhóng to
Những người biểu tình bên ngoài trụ sở của S&P ở Paris ngày 13-1 - Ảnh: Reuters

Khối đồng euro tưởng đã yên ắng lại rơi vào cuộc khủng hoảng sau việc S&P hạ mức tín nhiệm hàng loạt nước. Tiếng sét chính đã nổ vang trên nước Pháp, nền kinh tế thứ hai của châu Âu, khi bị mất mức xếp hạng AAA. Đức trở thành nước duy nhất trong khu vực giữ được xếp hạng cao nhất này. S&P còn tiếp tục cảnh báo chính phủ 14 nước châu Âu sẽ còn bị hạ mức tín nhiệm nữa.

Việc S&P hạ mức xếp hạng của một loạt nước trong khu vực euro không quá bất ngờ, bởi như đã cảnh báo trước, S&P cho rằng các chính sách của châu Âu thời gian qua không đủ để giải quyết triệt để những căng thẳng mang tính hệ thống trong khu vực.

Pháp đã bị đánh tụt 1 điểm từ AAA xuống còn AA+. Ý bị hạ 2 điểm xuống còn BBB+, Tây Ban Nha bị hạ 2 điểm xuống mức A. Tương lai kinh tế của cả ba quốc gia này còn bị đánh giá là “tiêu cực”. Ngoài ra, mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Cộng hòa Cyprus, Bồ Đào Nha, Áo, Malta, Slovakia và Slovenia cũng bị hạ.

Các nhà chuyên môn nhận định về ngắn hạn, việc S&P hạ mức tín nhiệm sẽ không gây ảnh hưởng lớn như làm vỡ nợ một quốc gia hay sụp đổ một ngân hàng, cũng không làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Tuy nhiên, việc hạ mức này sẽ càng làm các ngân hàng ở khu vực đang trong tình trạng “cấp cứu” còn lâu mới thoát ra khỏi “hệ thống trợ thở”, và cơn suy thoái đau đớn hiện nay sẽ còn tiếp diễn.

Báo Le Figaro nhận định việc hạ mức tín nhiệm có thể làm sụp đổ bức tường chống khủng hoảng của khối đồng euro (tức ECB) và tạo nên hiệu ứng domino đến tất cả doanh nghiệp, các ngân hàng đến các hộ dân.

Theo BBC, hạ mức tín nhiệm không phải là “liều thuốc độc làm chết người” ngay, nhưng nó khiến hệ thống tài chính và nền kinh tế tiếp tục ốm yếu.

Các tổ chức tài chính châu Âu đều báo động đỏ. Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán đã cầm cự được, Paris chỉ sụt giảm 0,11%, Frankfurt 0,58%. Trong khi đó, đồng euro đã sụt giảm so với đồng USD và rơi xuống mức thấp nhất trong số những mức thấp nhất kể từ tháng 8-2010, 1 euro chỉ ăn hơn 1,26 USD.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên