12/01/2012 08:15 GMT+7

Hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông

TTXVN
TTXVN

TT - Theo TTXVN, chiều 11-1, Hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN năm 2012 của Campuchia, đã kết thúc tại Siem Reap.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò chủ động và đóng góp tích cực, ghi nhận kết quả đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc thông qua tài liệu hướng dẫn triển khai Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), đóng góp vào việc triển khai đầy đủ DOC.

Xv8BJpkH.jpgPhóng to

Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tại hội nghị. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đứng thứ tư từ trái sang - Ảnh: AFP

Thời gian qua, ASEAN đã thể hiện vai trò quan trọng và đóng góp tích cực trong duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; đề cao các nguyên tắc về giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) và DOC; khởi động xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC). Trên cơ sở đó, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam, với vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, sẽ phối hợp chặt chẽ với ASEAN tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau với Trung Quốc, trong đó có nỗ lực hướng tới xây dựng và hoàn thiện COC.

Các bộ trưởng dự hội nghị cũng khẳng định lại tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới xây dựng COC, nhất là trong năm 2012 kỷ niệm 10 năm DOC.

Với chủ đề “ASEAN: một cộng đồng, một vận mệnh”, nước chủ tịch ASEAN 2012 đã đề nghị hội nghị tập trung vào đẩy nhanh nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển; thúc đẩy đoàn kết trong ASEAN; mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Bộ trưởng ngoại giao các nước cũng khẳng định ASEAN cùng phấn đấu xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ; đồng thời nâng cao hơn nữa vị thế, tiếng nói và vai trò quan trọng ở khu vực và trên trường quốc tế.

Về triển khai lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN và liên kết khu vực, các bộ trưởng nhất trí ASEAN cần huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của người dân vào tiến trình xây dựng một cộng đồng ASEAN thật sự là của người dân ASEAN.

ASEAN cần tiếp tục tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin cũng như đẩy mạnh xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, phát huy hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác chính trị - an ninh khu vực hiện có như Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), DOC, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Indonesia mua 6 máy bay Sukhoi của Nga

Indonesia đã ký hợp đồng trị giá 470 triệu USD với Nga để mua sáu chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MK2, theo RIA Novosti ngày 10-1. Số máy bay này sẽ được giao cho Indonesia sau năm 2013.

Trước đó, Nga cũng đã hoàn thành hợp đồng ký năm 2007 với Indonesia trị giá 300 triệu USD gồm ba chiến đấu cơ Su-30MK2 và ba chiến đấu cơ Su-27SKM.

Không quân Indonesia hiện có 10 chiến đấu cơ Sukhoi, bao gồm sáu chiếc Su-27SKM và bốn chiếc Su-30MK2.

Mỹ mong muốn có vai trò ở biển Đông

Ngày 9-1, trong buổi thuyết trình trước Ban thư ký ASEAN về quan hệ Mỹ - ASEAN ở Jakarta (Indonesia), cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William S. Cohen khẳng định Washington muốn là một “nhân tố hỗ trợ thuận lợi” cho tiến trình thảo luận - đàm phán giải quyết tranh chấp, xung đột ở biển Đông.

“Biển Đông phải là một vùng biển của tự do và an toàn lưu thông hàng hải, các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế” - Jakarta Post dẫn lời ông Cohen.

Ông Cohen hiện là chủ tịch Hội đồng chiến lược Mỹ - ASEAN thuộc Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS).

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên