09/01/2012 07:57 GMT+7

Iran đối đầu Mỹ trên "sân sau"

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã rời Tehran ngày 8-1 để bắt đầu chuyến công du năm ngày các nước Mỹ Latin (Venezuela, Nicaragua, Cuba và Ecuador) nhằm tăng cường quan hệ với các nước này và tạo bất lợi cho Mỹ.

FHFii13s.jpgPhóng to
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (phải) và Tổng thống Venezuela Hugo Chavez - Ảnh:Press TV

“Quan hệ của chúng ta với các nước châu Mỹ Latin là rất tốt và đang phát triển. Nền văn hóa của các dân tộc trong khu vực này cùng những đòi hỏi lịch sử của họ giống với những đòi hỏi của người dân Iran. Đây là những dân tộc có tư tưởng chống thực dân, chính vì thế họ chống lại chế độ thống trị” - ông Mahmoud Ahmadinejad ám chỉ Mỹ trước khi rời Tehran đến Venezuela.

Cuộc đấu khẩu

“Châu Mỹ Latin đã là một khu vực mà chế độ thống trị xem là sân sau của mình, ở đó họ có thể làm điều họ muốn làm. Nhưng ngày nay, các dân tộc của các vùng này đã thức tỉnh và hành xử một cách độc lập” - ông Mahmoud Ahmadinejad nói thêm.

“Tại bốn nước này, chúng ta sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cũng như về ý muốn của chế độ thống trị đang can thiệp vào công việc của các nước khác và sự hiện diện quân sự của nó ở khắp thế giới” - ông cho biết.

Ông Ahmadinejad cũng thông báo ông sẽ khánh thành nhiều dự án và ký kết nhiều hợp đồng mới với mỗi nước trong số bốn nước ông đến thăm.

Đài truyền hình nhà nước Iran Press TV cho biết tháp tùng tổng thống Iran trong chuyến thăm lần này là một phái đoàn hùng hậu với bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng kinh tế, bộ trưởng công nghiệp, thương mại và hầm mỏ, bộ trưởng năng lượng.

Theo CNN, thế giới đang theo dõi từng bước chuyến thăm của tổng thống Iran, khi mà căng thẳng giữa phương Tây và Tehran đang leo thang.

Washington trước đó đã kêu gọi các nước châu Mỹ Latin không nên “tăng cường quan hệ” với Iran vào lúc áp lực đang gia tăng nhằm thuyết phục Tehran ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. “Chúng tôi đang nói rõ quan điểm với các nước trên thế giới rằng hiện nay không phải lúc thích hợp để tăng cường quan hệ kinh tế hay an ninh” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh.

Thế nhưng, AFP cho biết bốn nước trong nghị trình chuyến thăm của tổng thống Iran đã xích lại gần Iran trong những thập niên qua, nhất là trong những năm gần đây. Chẳng hạn, Venezuela và Iran đã ký hơn 270 bản ghi nhớ về thương mại, xây dựng, các nhà máy sản xuất máy kéo và xe hơi, các chương trình năng lượng cũng như ngân hàng. Các đường bay thẳng giữa Caracas và Tehran cũng được mở ra. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã thăm Tehran chín lần trong 13 năm qua.

“Ông Ahmadinejad đã mở rộng mối quan hệ của Iran khắp Mỹ Latin, đã đóng vai trò cá nhân và trực tiếp trong quá trình đó” - cố vấn về sáng kiến Trung Đông tại Viện Hòa bình của Mỹ Steven Heydemann nhận xét.

Tehran “điểm huyệt” Washington

Giới chuyên gia lại cho rằng chuyến đi của Tổng thống Ahmadinejad là bước gần nhất trong chặng hành trình dài, là một nỗ lực được tính toán, để tranh thủ sự ủng hộ trong khu vực này. Trong khi Iran đang cố gắng cải thiện hình ảnh của họ, làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ và đảm bảo một chỗ đứng vững chắc hơn ở “sân sau” của Mỹ... thì việc thắt chặt mối quan hệ với các nước Mỹ Latin trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Tehran.

Chuyến đi của ông Ahmadinejad được mô tả là một đòn “điểm huyệt” Washington bằng những hợp đồng thương mại cũng như những thỏa thuận chính trị mà Mỹ không thể có được. “Các nước Mỹ Latin đang khẳng định với thế giới rằng họ có chủ quyền và độc lập.

Họ không phụ thuộc sự kiểm soát quốc tế từ Mỹ. Và khi bóng ma trừng phạt Iran do Mỹ và châu Âu đưa ra đang bao trùm, Iran càng cần phải thắt chặt hơn mối quan hệ với các nước này” - giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Venezuela Nicmer Evans nói.

“Iran đã có động thái ngoại giao cực kỳ thiết thực” - giám đốc Hội đồng về Tây bán cầu ở Washington Larry Birns nhận định.

“Rõ ràng Iran đang thật sự bị ảnh hưởng từ những biện pháp cấm vận mới đây. Tehran đang tìm kiếm các con đường phát triển ở Mỹ Latin để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt khi thiết lập các mối quan hệ tài chính với khu vực Mỹ Latin, sẽ cho phép họ luân chuyển tiền tệ của mình” - chuyên gia ở Trung tâm đánh giá và chiến lược quốc tế Doug Farah nhận định và cho rằng chuyến đi của ông Ahmadinejad là bước chuẩn bị ứng phó trước những thiệt hại về tài chính có thể xảy ra khi bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận dầu Iran.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên