02/01/2012 09:21 GMT+7

"Không nến, không bánh kem" cho đồng euro

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Khi đồng euro được giới thiệu lần đầu tiên chỉ sau nửa đêm 1-1-2002, màn pháo hoa ăn mừng đã diễn ra tại trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). 10 năm sau, đồng euro đồng nghĩa với khủng hoảng.

KZSzkalA.jpgPhóng to
Người biểu tình trong trang phục ông già Noel bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt (Đức) ngày 24-12-2011. Đồng euro kỷ niệm 10 năm ngày ra đời trong bối cảnh nhiều nước thành viên của khối đang rơi vào tình trạng sắp phá sản - Ảnh: Reuters

Ngày ấy, khi đồng euro chào đời, cầu Pont Neuf ở Paris được thắp bằng 12 làn ánh sáng, tượng trưng cho 12 quốc gia đầu tiên sử dụng euro. Người dân ở những nước này từ sáng sớm đã xếp hàng đứng chờ trước các máy rút tiền ATM để cầm trên tay tờ tiền mới, tượng trưng cho sự thống nhất và hòa hợp của châu Âu.

Euro = khủng hoảng?

10 năm sau, từ “euro” khi được dùng trên các tiêu đề của các bài báo thường đi kèm với từ “khủng hoảng”. Nhiều nước thành viên khối đồng euro đang trên bờ vực phá sản. Thay vì tổ chức ăn mừng tuổi lên 10, các nhà hoạch định chính sách đã cố “né bão” càng sâu càng tốt, với hi vọng không khiến những người chỉ trích họ tức giận sau một thời gian tạm lắng dịu kể từ tháng 12-2011 khi ECB bơm gần 640 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng châu Âu.

New York Times ghi nhận tại Brussels không có lễ hội ăn mừng, cũng chẳng có họp báo để đánh dấu cột mốc đặc biệt này của đồng euro. Điều đó khiến các nước thành viên euro phải noi theo: họ chỉ lặng lẽ đưa vào lưu thông đồng xu 2 euro kỷ niệm, coi như một hành động khiêm tốn nhất cho sự kiện này, với biểu tượng chung chung như một gia đình, một con tàu, một nhà máy, những tuôcbin gió.

Nhiều nhà kinh tế thừa nhận đồng euro không có tội, không phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính cho một số quốc gia thành viên. “Vấn đề của các nước Nam Âu, đặc biệt là Hi Lạp và Bồ Đào Nha, là do các nước đó tự gây ra” - Viện nghiên cứu kinh tế ở Cologne (Đức) nhận định.

Các khoản vay có lãi suất thấp đã khuyến khích mọi tầng lớp xã hội vay ào ạt, sống vung tay quá trán so với khả năng chi trả, nền kinh tế dựa trên tăng trưởng tín dụng. Báo Spiegel nhận định các chính trị gia đã “lừa dối nhau” ngay từ đầu, khi hiểu rõ “một liên minh tiền tệ sẽ không thể hoạt động nếu không đi kèm với đó là chính sách kinh tế và tài chính chung”.

Dù nhiều quốc gia trong khối đồng euro bị nợ nần chồng chất, song đồng euro lại đã chứng minh đó là một đồng tiền mạnh, ổn định, tiết kiệm chi phí giao dịch hàng tỉ USD, tăng xuất khẩu cho Đức và giúp các nước vay tiền với lãi suất thấp trong nhiều năm.

Reuters dẫn lời nhà hoạch định chính sách của ECB Christian Noyer cho rằng euro có thể trở thành đồng tiền hàng đầu thế giới trong 10 năm nữa, nếu các nhà lãnh đạo của khối thành công trong việc thắt chặt sự thống nhất về tài khóa.

“Nếu chúng ta áp dụng tất cả các quyết định tại Brussels, chúng ta sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn” - ông Noyer nhận định trong một bài báo kỷ niệm 10 năm sự ra đời của đồng euro. Tuy nhiên, nhận định của người từng là thống đốc ngân hàng Pháp này khác so với 50% dân Pháp, khi họ cho rằng đồng tiền chung là một ý kiến tồi, so với 35% ủng hộ theo khảo sát của báo Journal du Dimanche.

ha29cLje.jpgPhóng to
Buổi lễ đánh dấu sự ra đời của đồng euro ở Frankfurt 10 năm trước - Ảnh: AFP

“Nỗ lực vượt qua khủng hoảng của năm 2012”

Châu Âu đã lật sang trang mới sau “một năm khủng khiếp nhất”. Trong các thông điệp đầu năm mới, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi người dân hãy dũng cảm đối phó với thách thức khủng hoảng đang chờ họ.

Đan Mạch, quốc gia không dùng đồng euro, trở thành chủ tịch luân phiên của EU vào ngày 1-1-2012, tuyên bố sẽ quyết tâm giải quyết khủng hoảng nợ của khối.

Pháp: Với Tổng thống Nicolas Sarkozy, “số phận của nước Pháp có thể bấp bênh” trong năm 2012. Theo ông, thất nghiệp, các vấn đề xã hội và việc cho ra đời mô hình mới trong quan hệ giữa các nước châu Âu sẽ là những thách thức đối với châu Âu trong năm 2012.

Đức: Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo năm 2012 sẽ “còn khó khăn hơn” so với năm đã qua do sự bất ổn của đồng euro và những thách thức khác. Bà khẳng định sẽ làm tất cả mọi điều để tiếp thêm sức mạnh cho đồng euro, nhưng chỉ thành công nếu các lãnh đạo châu Âu học được từ những sai lầm của mình.

Hi Lạp: Thủ tướng Lucas Papademos kêu gọi người dân tiếp tục nỗ lực “để tránh cho khủng hoảng không dẫn đến một sự sụp đổ đầy hỗn loạn và bi thảm”.

Ý: Tổng thống Giorgio Napolitano yêu cầu người dân chấp nhận hi sinh để “tránh cho nền tài chính nước nhà sụp đổ”.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên