23/12/2011 06:06 GMT+7

Rúng động vì silicon nâng ngực rò rỉ

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Hàng chục ngàn phụ nữ châu Âu đang sống trong nỗi sợ hãi khi túi nâng ngực bằng silicon họ đang sử dụng bị cho là có thể gây ung thư. Nỗi sợ hãi ngày càng lan rộng, khiến nhà chức trách phải lên tiếng trấn an và đưa ra lời khuyến cáo.

fPYjdwPl.jpgPhóng to

Bác sĩ Denis Boucq chuẩn bị phẫu thuật dỡ bỏ túi nâng ngực do PIP sản xuất ngày 21-12-2011 ở Nice, Pháp - Ảnh: AFP

Amanda Harrison, 40 tuổi, sống ở Ramsgate, Kent (Anh), từng có một quá khứ “khủng hoảng” vì hay bị trêu là “ngực lép”. Năm 30 tuổi, cô quyết định sửa chữa khiếm khuyết này để “trở nên bình thường, mặc quần áo bình thường”. Tháng 8-2006, cô trả khoảng 5.000 USD cho một cơ sở y tế ở London để phẫu thuật nâng ngực. Mọi thứ đều tốt đẹp và cô rất hài lòng.

Giấc mơ “ngực đẹp” thành ác mộng!

Vài năm sau, cô bắt đầu cảm thấy không khỏe. Tháng 2-2009, cô phải vào nằm viện tám ngày vì các vấn đề về thận và trải qua các đợt xét nghiệm toàn diện. Thận của cô bị phình lớn. Sau đó, các siêu âm vào tháng 7-2009 cho thấy cô bị một khối u nhỏ ở ngực và cần phải phẫu thuật. Một tháng sau, ca phẫu thuật được tiến hành. Tuy nhiên, sau đó hàng loạt vấn đề khác như viêm amidan mãn tính và khó thở khiến cô lại phải nhập viện. Đầu năm 2010, tim của cô đập nhanh hơn bình thường và điện tâm đồ không thể tìm ra lý do.

Theo Guardian, từ tháng 1-2011 cô bắt đầu nhận thấy một bên ngực của mình nhỏ hơn ngực kia. Cô bị bệnh thường xuyên. Tháng 3-2011, cô nhập viện vì nghi ngờ viêm màng não. Các kết quả xét nghiệm cho thấy bướu cổ bị phình to, cột sống có vấn đề. Tháng 5-2011, cô chịu chứng mệt mỏi triền miên, phải uống thuốc an thần. Tháng 6-2011, cô phải cắt bỏ amidan.

Sau đó, cô liên lạc với cơ sở y tế đã thực hiện phẫu thuật ngực cho mình vì nghi ngờ có liên hệ nào đó giữa túi nâng ngực và các triệu chứng này. Nhân viên hướng dẫn cô đi chụp MRI vì có thể túi nâng ngực đã bị vỡ. Chỉ đến lúc đó, cô mới vỡ lẽ ra là túi nâng ngực phải của cô đã bị vỡ. Cô vội vã phẫu thuật để gỡ miếng nâng ngực ra. “Tôi cảm thấy thật khủng khiếp, không còn tâm trí, sức lực cho việc nào khác”. Bác sĩ phẫu thuật cho biết silicon từ miếng nâng ngực của Công ty Poly Implant Prothese (PIP) của cô đã lan ra các tế bào trên ngực và khiến cô bị bệnh.

HvkZvqIA.jpgPhóng to

Túi nâng ngực do PIP sản xuất được gỡ bỏ ngày 21-12-2011- Ảnh: AFP

Châu Âu lo lắng

Harrison chỉ là một trong hàng chục ngàn phụ nữ ở châu Âu từng phẫu thuật chỉnh sửa ngực đang vô cùng lo lắng, sợ hãi về sức khỏe của mình khi thấy ngực bị nóng, đau đớn bất thường.

Hàng chục ngàn phụ nữ khác ở Pháp, Anh và Bulgaria đang bị nguy cơ ung thư khi sử dụng túi nâng ngực dưới chuẩn của PIP của Pháp mà hiện đã bị đóng cửa. Riêng tại Anh, con số phụ nữ phẫu thuật nâng ngực bằng sản phẩm PIP là hơn 50.000. Hàng chục ngàn phụ nữ ở hơn 65 quốc gia, chủ yếu ở Nam Mỹ và Tây Âu, đã thực hiện phẫu thuật nâng ngực bằng sản phẩm của PIP.

Theo AFP, ngày 22-12, hơn 250 phụ nữ Anh đã quyết định đâm đơn kiện sau khi hơn một nửa trong số họ gặp tình trạng túi nâng ngực bị vỡ.

Esyllt Hughes, luật sư đại diện cho hơn 250 phụ nữ Anh, cho biết họ sẽ tiến hành các thủ tục kiện vào đầu năm 2012, chống lại sáu đơn vị y tế thực hiện phẫu thuật này.

Tại Pháp, nhà chức trách y tế cho biết chính phủ nước này sẽ sớm khuyến cáo 30.000 phụ nữ nâng ngực bằng sản phẩm của PIP phải tháo gỡ. Đến nay, tám ca ung thư, chủ yếu là ung thư vú, đã được thông báo khiến nhà chức trách nước này buộc phải lên tiếng cảnh báo với công luận.

Cơ quan kiểm tra các sản phẩm y tế Anh (MHRA) khuyên các phụ nữ đang mang túi nâng ngực không nên sợ hãi nhưng nên đến bác sĩ. MHRA đã phải khẩn cấp thảo luận với các chuyên gia từ Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ý, Ireland, Hungary, Áo, Đan Mạch và Malta.

Các nước đến nay vẫn chờ quyết định từ nhà chức trách Pháp - nơi đã thông báo có thể họ sẽ hỗ trợ phí tổn trong việc tháo gỡ miếng silicon. Các công tố viên ở Marseille, gần trụ sở chính của PIP, cho biết đã nhận được hơn 2.000 đơn kiện từ phụ nữ Pháp đã phẫu thuật và mở cuộc điều tra hình sự đối với PIP.

Nhà chức trách châu Âu đang cố gắng làm giảm nỗi lo lắng của giới phụ nữ bằng việc khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy túi nâng ngực liên quan tới ung thư. Tuy nhiên, Bộ Y tế Pháp cho biết là “có nguy cơ về sức khỏe khẩn cấp”. Một báo cáo chuyên môn sẽ được công bố ở Pháp vào ngày 23-12, để nhận định xem liệu các túi nâng ngực này có nên gỡ ra hay không.

PIP bị cấm bán sản phẩm từ năm 2010 sau khi công ty này bị cáo buộc sử dụng gel silicon không được phép sử dụng, gây nguy cơ rò rỉ rất cao. Từng là một trong ba hãng sản xuất sản phẩm thẩm mỹ silicon lớn nhất thế giới, các khó khăn tài chính của hãng đã khiến công ty này thay silicon đủ tiêu chuẩn y tế bằng các silicon công nghiệp để có thể tiết kiệm được hơn 1,3 triệu USD/năm.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên