Phóng to |
Theo Hãng tin tài chính Bloomberg, ngày 17-12 giá đồng euro tiếp tục giảm sâu so với đồng USD và đã gần chạm mức thấp nhất trong vòng 11 tháng qua. Hiện 1 euro chỉ hơn 1 cent so với mức 1,3 USD. “Thị trường tiếp tục bán tống bán tháo đồng euro do không tin châu lục sẽ chặn được khủng hoảng nợ và mối lo các nước bị hạ định mức tín nhiệm hàng loạt” - Bloomberg dẫn lời chuyên gia Omer Esiner thuộc Hãng CFE (Mỹ).
Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng Fitch tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi cho rằng các nước khối đồng euro không còn khả năng giải quyết khủng hoảng nợ. “Một giải pháp toàn diện để chặn khủng hoảng nợ khối đồng euro, xét về cả phương diện kỹ thuật và chính trị, đã nằm ngoài tầm với - Reuters dẫn tuyên bố của Fitch - Khủng hoảng nợ đang tác động cực kỳ nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế và tài chính của toàn khu vực”.
Quá nhiều tin xấu
Theo Reuters, Fitch xác định triển vọng của sáu nước khu vực là Bỉ, Tây Ban Nha, Slovenia, Ý, Ireland và Cyprus là “tiêu cực”. Điều đó có nghĩa có khả năng Fitch sẽ hạ định mức tín nhiệm của các quốc gia này một hoặc hai bậc trong vòng ba tháng tới. Cũng trong ngày 16-12, một hãng xếp hạng tín dụng khác là Moody’s đã hạ định mức tín nhiệm Bỉ xuống hai bậc, từ Aa3 còn Aa1.
“Nhiều khả năng bất ổn sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai gần - Moody’s đánh giá - Như vậy sức ép tìm vốn đối với các nước khối đồng euro mắc nợ cao và cần vốn như Bỉ ngày càng gia tăng”. Moody’s cho biết có khả năng tiếp tục hạ định mức tín nhiệm Bỉ trong vòng hai năm tới. Trước đó, Hãng Standard & Poor’s đã đe dọa hạ tín nhiệm 15 trên tổng số 17 quốc gia khối đồng euro.
Những tin xấu chưa dừng lại. Hãng tin AFP đưa tin Viện Thống kê và kinh tế Pháp (Insee) xác định nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu sau Đức sẽ suy thoái 0,2% trong quý 4-2011, 0,1% trong quý 1-2012. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Pháp sẽ chỉ tăng trở lại vỏn vẹn 0,1% vào quý 2-2012. Insee cho biết do khủng hoảng, các doanh nghiệp Pháp phải cắt giảm nhân lực. Do đó tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp tăng từ 9,3% trong quý 3 lên 9,6% trong quý 4-2011 và không giảm tới tận giữa năm 2012.
Báo Anh Guardian đưa tin ở Tây Ban Nha, chính quyền Madrid đang đối diện với tình hình tài chính ngày càng tồi tệ. Ngân hàng Tây Ban Nha thông báo nợ công của chính quyền các địa phương tăng 22%, lên 176,6 tỉ USD. Nợ chính phủ trung ương cũng tăng 15%, lên 922,3 tỉ USD. Trong khi đó, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ các ngân hàng và quỹ đầu tư “ôm” trái phiếu Hi Lạp đang từ chối giảm 50% nợ cho Athens như đề nghị của EU.
“Thắt lưng buộc bụng” không hiệu quả
Theo báo Wall Street Journal, hôm 16-12 các lãnh đạo EU xác nhận đã phân phát bản dự thảo hiệp ước thắt chặt ngân sách, dự kiến trở thành luật EU vào tháng 3-2012. Tuy nhiên, giới quan sát bình luận khủng hoảng nợ châu Âu quá nghiêm trọng và “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu tối đa không phải là giải pháp hiệu quả để vượt qua khủng hoảng. Bằng chứng là tình trạng kinh tế u ám ở Ireland.
Tới tận tuần này, các nhà lãnh đạo EU vẫn xác định Ireland là mô hình kiểu mẫu của cách một nước nợ lớn cần hành xử: tiết kiệm chi tiêu tối đa nhưng vẫn duy trì tăng trưởng. Ireland đã cắt giảm chi tiêu và tăng thuế từ cuối năm 2008. Theo kế hoạch, Ireland sẽ tiếp tục chính sách này tới năm 2015. Tuy nhiên, theo Bloomberg, mới đây Ireland công bố GDP quý 3-2011 sụt 1,9%, tổng sản phẩm quốc gia (GNP) giảm 2,2%.
Tình hình tài chính của Chính phủ Ireland năm nay không có gì khả quan hơn. Ireland chi 74,5 tỉ USD, trong đó có 13 tỉ USD để cứu trợ năm ngân hàng lớn. Nhưng chính phủ chỉ thu được 44 tỉ USD tiền thuế. Lãnh đạo các công đoàn lao động Ireland khẳng định túi tiền của 4,5 triệu dân nước này đã bị vét kiệt. “Các chính sách hiện tại biến phục hồi tăng trưởng thành nhiệm vụ bất khả thi” - AP dẫn lời ông David Begg, tổng thư ký Đại hội Công đoàn lao động Ireland.
Giới chuyên gia tài chính vẫn kêu gọi EU sử dụng “khẩu bazooka tài chính” cuối cùng: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua ồ ạt trái phiếu chính phủ các nước đang mắc nợ để giảm sức ép đối với khối đồng euro. Tuy nhiên, tạp chí Đức WirtschaftsWoche mới đây dẫn lời ông Juergen Stark, quan chức ECB, khẳng định đây không phải là giải pháp bền vững.
Reuters cho biết chính quyền các nước khối đồng euro phải bán tới 104,2 tỉ USD trái phiếu trong tháng 1-2012. Và sẽ rất khó để các nước châu Âu tiếp tục huy động vốn trong tình cảnh lãi suất cho vay ngày càng tăng cao và thị trường đã cạn niềm tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận