Phóng to |
Công nhân Công ty Hi-P (Thượng Hải) đình công - Ảnh: Reuters |
Thời báo Hoàn Cầu ngày 9-12 dẫn lời các chuyên gia kinh tế Trung Quốc thừa nhận khủng hoảng tài chính cũng như bong bóng bất động sản đang có nguy cơ bùng nổ ở Trung Quốc. Từ đầu tháng 12-2011, mức tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm từ 9,5% xuống 9,1%, thấp nhất trong vòng hai năm qua. Các ngành công nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng do nhu cầu nhập khẩu ở châu Âu giảm từ khi khủng hoảng nợ xảy ra.
Các công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đang liên tục chịu cảnh lỗ, góp phần làm giảm tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ví dụ, Cục Công thương Trung Quốc cho biết công ty sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới Suntech đặt tại Vô Tích, tỉnh Giang Tô trong quý 3-2011 đã lỗ đến 116 triệu USD do các đơn hàng từ châu Âu và nội địa Trung Quốc giảm mạnh.
Tăng trưởng sa sút
Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tháng 11-2011 đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng qua. Chỉ số tăng trưởng tháng 11-2011 đã giảm nhanh từ 54,1 điểm của tháng 10 xuống 52,5 điểm. Giới chuyên gia nhận định dù chỉ số giảm vẫn còn trên mức 50 điểm song tăng trưởng chậm trong lĩnh vực này rất đáng quan ngại.
“Với những áp lực phải làm dịu tình hình giá cả hơn nữa, Bắc Kinh nên sử dụng các chính sách nhắm vào lĩnh vực dịch vụ và các doanh nghiệp nhỏ để giữ tăng trưởng GDP trên 8% trong năm tới” - Tân Hoa xã dẫn lời nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc ở Ngân hàng HSBC Khuất Hồng Bân nhận định.
Số liệu của Cơ quan Quốc gia về hậu cần và mua sắm Trung Quốc ghi nhận chỉ số PMI (chỉ số quản lý mua sắm) trong lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc tháng 11-2011 đã giảm từ 57,7 xuống 49,7 điểm, mức thấp nhất trong hai năm qua. Chỉ số PMI cho thấy các đơn hàng trong nội địa lẫn xuất khẩu đang giảm mạnh.
“Sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang lan rộng sang lĩnh vực phi sản xuất” - chuyên gia Tom Condon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Á tại ING của Singapore, khẳng định. Nguyên nhân là các nhà máy của Trung Quốc đang chịu sức ép suy thoái toàn cầu.
Trước tình hình trên, quan chức cấp cao của Trung Quốc đã phát đi thông điệp báo động rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tình hình nợ nần ở châu Âu. Thứ trưởng tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cho rằng Trung Quốc cần ưu tiên kích thích tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong tình trạng tồi tệ nhất từ năm 2008.
Đình công đòi lương
Hàng loạt công ty sản xuất vừa và nhỏ phá sản, đẩy người lao động vào cuộc sống bấp bênh. Theo Tân Hoa xã, ngày 8-12 hàng trăm công nhân của Nhà máy sản xuất trang trí nội thất mây tre và đồ gỗ An Cát (Chiết Giang) đã biểu tình và phong tỏa công ty này đòi phải trả lương cho họ. Vì quá bức xúc, một số công nhân đã cố leo rào vào bên trong công ty và đụng độ với cảnh sát. Các cuộc đình công cũng diễn ra hàng loạt ở các nhà máy của Pepsico, nhà máy sản xuất đồng hồ của Citizen và Công ty sản xuất giày Dụ Nguyên.
Người lao động phản đối các công ty trên cắt giảm lương và cho nghỉ việc hàng loạt để cắt giảm chi phí. Tại Nhà máy điện tử Hi-P của Singapore ở Thượng Hải, ít nhất đã có hai cuộc đình công trong một tuần qua do công nhân lo ngại sẽ mất việc khi nhà máy di dời. Ngày 8-12, khoảng 100 công nhân đã tụ tập bên ngoài trụ sở UBND TP Thượng Hải yêu cầu chính quyền hỗ trợ.
Tại nhà máy của Công ty Hitachi ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang (Quảng Đông), khoảng 800 công nhân cũng đình công. Lao động ở đây lo sợ chế độ thâm niên và các chính sách khác của họ sẽ bị xóa sạch khi Tập đoàn Western Digital tiếp quản nhà máy này vào tháng 3-2012. Tháng 11-2011, hơn 7.000 công nhân ở tỉnh Quảng Đông đình công để phản ứng việc giới chủ lao động bóc lột công nhân các nhà máy sản xuất giày New Balance, Adidas và Nike. Người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát.
Ngày 3-12, Tân Hoa xã dẫn lời Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang cảnh báo kinh tế suy thoái có thể gây ra bất ổn xã hội. Ông Chu yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường sức mạnh đối phó những ảnh hưởng tiêu cực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận