03/12/2011 06:34 GMT+7

Đối đầu Iran - phương Tây: ván cờ rối

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang tăng lên sau vụ tấn công Đại sứ quán Anh ở Tehran. Cuộc đối đầu đang như một ván cờ rối với những diễn biến khó lường, dễ bùng nổ.

Quốc hội Iran hạ cấp quan hệ ngoại giao với AnhIran: Người biểu tình tấn công đại sứ quán Anh

EIYs53i0.jpgPhóng to

Người Iran đốt cờ Anh trong cuộc tấn công Đại sứ quán Anh ở Tehran hôm 29-11 - Ảnh: Reuters

Ngày 1-12, Thượng viện Mỹ đã thông qua những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Ngân hàng Trung ương Iran (CBI). Theo đó, các ngân hàng nước ngoài giao dịch với CBI sẽ bị “cấm cửa” tại Mỹ. Đây thực tế là đòn đánh vào ngành xuất khẩu dầu mỏ Iran, bởi CBI xử lý toàn bộ giao dịch dầu mỏ nước này và là kênh nhận doanh thu từ xuất khẩu dầu.

Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ xem xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào ngành dầu mỏ của Iran. Pháp và Anh đang thúc ép các nước thành viên EU chấp nhận lệnh trừng phạt này. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 1-2012. EU nhập từ Iran 450.000 thùng dầu/ngày, chiếm 18% tổng lượng dầu xuất khẩu của Iran.

Con dao hai lưỡi cho phương Tây

Tạp chí Time dẫn lời một số nhà quan sát nhận định chiến lược của phương Tây khá rõ ràng: siết chặt cấm vận để phá hủy nền kinh tế Iran cho đến khi các nhà lãnh đạo Tehran quỵ gối, bởi giải pháp tấn công quân sự là quá mạo hiểm. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng nhận định một cuộc không kích sẽ chỉ trì hoãn việc Iran phát triển công nghệ hạt nhân từ 1-3 năm, nhưng càng khiến Tehran quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân.

Chính quyền Israel từng nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công Iran. Nhưng ngày 1-12, Bộ trưởng quốc phòng Israel Barak đã loại bỏ một cuộc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran “vào thời điểm này”. “Không được lao vào một cuộc chiến khi chưa cần thiết” - AFP dẫn lời ông Barak khẳng định. Cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo Israel (Mossad) Meir Dagan từng cảnh báo cuộc chiến Israel - Iran có thể dễ dàng bùng nổ thành một cuộc chiến khu vực đẫm máu, tốn kém mà Israel không dễ thoát ra.

Giới chuyên gia nhận định đòn đánh vào dầu mỏ Iran trên thực tế là một con dao hai lưỡi đối với phương Tây. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cảnh báo biện pháp trừng phạt này có thể làm đảo lộn thị trường dầu mỏ toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu đang khủng hoảng. Việc thị trường đột ngột mất 2,5 triệu thùng dầu/ngày từ Iran chắc chắn sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Các quan chức Nhà Trắng lo ngại khi giá dầu tăng thêm 30-50 USD/thùng, doanh thu từ dầu mỏ của Tehran sẽ tăng vọt.

Mỹ e sợ cấm vận dầu mỏ của Iran sẽ khiến quan hệ của Mỹ với một số nước đồng minh châu Âu và Ấn Độ trục trặc. Nhiều thành viên EU dựa vào dầu mỏ Iran kịch liệt phản đối quan điểm của Pháp và Anh.

Hơn nữa, nếu Iran xác định việc phương Tây cấm vận CBI là hành vi gây chiến, chính quyền Tehran hoàn toàn có thể trả đũa bằng việc đóng cửa eo biển Hormuz, nơi 40% sản lượng dầu thế giới đi qua. Hậu quả đối với nền kinh tế thế giới sẽ cực kỳ khủng khiếp. Do đó, nhiều khả năng nghị quyết trừng phạt của Thượng viện Mỹ sẽ bị Tổng thống Obama phủ quyết.

Larijani đối đầu Ahmadinejad

Theo Al Arabiya, giới quan sát Ả Rập cho rằng cuộc tấn công Đại sứ quán Anh ngày 29-11 do lực lượng của lãnh tụ tối cao Ayatullah Ali Khamenei và các nhóm bảo thủ cực đoan đối lập với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tổ chức, vừa là đòn trả đũa các biện pháp cấm vận của phương Tây, vừa đánh vào uy tín của ông Ahmadinejad. Trước đó, ông Ahmadinejad đã đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân với phương Tây.

Reuters dẫn lời nhà phân tích Mohsen Sadeghi nhận định dù ông Ahmadinejad luôn lớn tiếng chống phương Tây, nhưng ông lại muốn kết nối với phương Tây. Tấn công Đại sứ quán Anh trong thời điểm người dân Iran ngày càng ác cảm với phương Tây không chỉ khiến ông Ahmadinejad bẽ mặt, mà còn giúp các nhóm bảo thủ cực đoan đối lập với ông giành thêm uy tín trước thềm cuộc bầu cử quốc hội Iran vào mùa xuân tới.

Trang Al Arabiya cũng chỉ ra rằng chiến dịch hạ quan hệ ngoại giao với Anh là do một tay Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani khởi xướng. Ông Larijani và ông Ahmadinejad là đối thủ không đội trời chung. Trong khi Bộ Ngoại giao Iran lên án vụ tấn công, lực lượng cảnh sát liên minh với ông Ahmadinejad cam kết sẽ khởi tố những kẻ đã tham gia cuộc tấn công, thì ông Larijani và thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf, cũng là đối thủ của ông Ahmadinejad, cùng lên tiếng ủng hộ hành vi quá khích này.

Như vậy, cuộc đối đầu Iran - phương Tây đang diễn ra trong bối cảnh nội bộ Iran lẫn phương Tây đều có sự chia rẽ, những tiếng nói kêu gọi đối thoại bị vùi lấp, thay vào đó là những trò chính trị nhằm đẩy căng thẳng tăng lên. Tạp chí Time dẫn lời các nhà quan sát bình luận: cả hai bên đều tin rằng có thể kiểm soát sự leo thang để tránh một cuộc đối đầu quân sự và đều muốn đối thủ phải đầu hàng trước sức ép. Nhưng đó là một ván cờ cực kỳ khó dự đoán, nhất là trong tình cảnh hai bên không có sự liên hệ trực tiếp. Do đó, đối đầu hoàn toàn có thể dẫn tới bùng nổ chiến tranh.

Mỹ và Iran không có kênh liên lạc trực tiếp từ năm 1979. “Điều đó đã gieo nhiều mầm mống cho những toan tính sai lầm. Toan tính sai dẫn đến dễ hiểu lầm và leo thang căng thẳng” - đô đốc Mullen, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, cảnh báo. Ông cho biết kể cả trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô vẫn duy trì các kênh đối thoại trực tiếp để ngăn chặn nguy cơ xung đột bùng nổ.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên