Đáng chú ý là 2/3 quốc gia và lãnh thổ trong bảng xếp hạng CPI năm 2011 đều có chỉ số thấp hơn 5. Trong bảng báo cáo thường niên của TI, New Zealand dẫn đầu về mức độ trong sạch với 9,5/10 điểm, theo sau là Phần Lan và Đan Mạch. Somalia và CHDCND Triều Tiên xếp chót bảng với chỉ số 1/10.
Chủ tịch TI Huguette Labelle cho rằng vấn nạn tham nhũng có thể được nhìn rõ từ những biểu ngữ của những người biểu tình bất kể là tại nước giàu hay nghèo trong năm nay. Mỹ đứng hạng 24, thấp hơn năm ngoái hai hạng trong khi Nga nằm giữa các quốc gia tham nhũng nhất thế giới với 3,4/10 điểm, xếp hạng 143/183. Venezuela, Haiti, Iraq, Sudan và Myanmar nằm trong top 10 quốc gia tham nhũng nhất.
Theo TI, nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu một phần là do các cơ quan công quyền đã thất bại xử lý vấn nạn tham nhũng và trốn thuế. Điều này thể hiện rõ qua việc CPI của các quốc gia trong Liên minh châu Âu thấp nhất trong các quốc gia tại châu Âu, với Ý đứng thứ 69 và Hi Lạp xếp hạng 80. Bên cạnh đó, TI cũng cho biết tham nhũng đóng vai trò chủ chốt trong những biến đổi chính trị tại các quốc gia Trung Đông và cả thế giới năm 2011.
Thang điểm của CPI là từ 0 (tham nhũng cao) cho đến 10 (rất trong sạch) dựa trên mức độ nhận thức về tham nhũng trong các khu vực công. TI đã sử dụng dữ liệu của 17 cuộc thăm dò và bình chọn liên quan đến các yếu tố như việc thực thi luật chống tham nhũng, quyền tiếp cận thông tin và xung đột lợi ích.
TI cảnh báo các cuộc biểu tình trên khắp thế giới thường bắt nguồn từ những bất ổn về kinh tế và tham nhũng. Những cuộc biểu tình năm nay đã cho thấy công dân thế giới đang yêu cầu chính phủ phải trong sạch hơn và có trách nhiệm hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận