27/11/2011 07:42 GMT+7

Đối đầu sinh tử tại Syria và Iran

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Cuộc khủng hoảng đẫm máu tại Syria kéo dài từ giữa tháng 3 đến nay đang leo thang theo hướng có nguy cơ bị quốc tế hóa. Liên đoàn Ả Rập (LA) đang hành động khá thận trọng đối với vấn đề Syria, không vội vàng như từng xảy ra với Libya.

n4KSMs1g.jpgPhóng to

Người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình chống Tổng thống Syria al-Assad - Ảnh: Reuters

Tổng thư ký LA Nabeel al-Arabi đã có nhiều nỗ lực hòa giải rồi đốc thúc chính quyền Syria chấm dứt bạo lực đẫm máu chống người biểu tình. Động thái mới nhất là đòi chính quyền Syria chấp nhận để một phái bộ giám sát của Ả Rập đến Syria nhằm bảo vệ dân thường. Nhưng chính quyền Syria không đáp ứng yêu cầu này, kể cả khi được gia hạn lần chót đến giữa trưa 25-11.

LA quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống chính quyền Syria. Những kịch bản can thiệp đang được trù tính. Đáng kể nhất là chuyến đi của ngoại trưởng Pháp tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23-11 để bàn tới khả năng thiết lập một “vùng cấm bay” hoặc những “hành lang an toàn” nói là “để bảo vệ dân thường”.

Ý tưởng này có thể được sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ và bốn quốc gia Ả Rập vùng Vịnh. Mặc dù Pháp khẳng định “chưa tính đến một hành động can thiệp quân sự” vào lúc này, nhưng cũng như từng xảy ra tại Libya, việc áp đặt “vùng cấm bay” trên lãnh thổ Syria đòi hỏi phải có lực lượng không quân nước ngoài để đảm bảo tính khả thi của quyết định.

Liên minh châu Âu tuyên bố chưa ủng hộ ý tưởng áp đặt “hành lang an toàn” tại Syria mà Pháp nêu ra. Nga đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối ý tưởng can thiệp vào Syria. Vậy thì ít nhất là trước mắt, ý tưởng này chưa thể trở thành hiện thực.

Chính quyền Syria đang ngày càng lâm vào tình trạng không có đường lùi trước làn sóng phản kháng không ngừng. Nguy cơ nội chiến đã hiện rõ. Nhưng chính quyền Syria vẫn tự tin là quân đội và an ninh còn trung thành với Tổng thống Basha’r al-Assad.

Lực lượng phản kháng gồm các nhóm chính trị, một bộ phận vũ trang và quần chúng biểu tình dai dẳng ở các địa phương chưa thật sự tập hợp được dưới một bộ chỉ huy chung. Với những biện pháp chủ động trấn áp quyết liệt, chính quyền Syria chưa để xảy ra hiện tượng “biểu tình triệu người” như tại Ai Cập và Yemen. Tổng thống al-Assad vẫn có cơ sở để tin là nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài thì lực lượng phản kháng không thể thắng được bạo lực của chính phủ trong vài tháng tới.

Hơn nữa, đứng sau chính quyền Syria còn có sự trợ giúp mạnh mẽ về mọi mặt của Iran và “đội xung kích” là Hezbollah tại Libăng. Đối với Iran, sự tồn vong của chính quyền Syria lúc này cũng có ý nghĩa sống còn. Chế độ của Tổng thống al-Assad sụp đổ sẽ tác động rất tiêu cực đến các lực lượng dòng Hồi giáo Shi’a thân Iran trong vùng, như ở Libăng, Iraq và vùng Vịnh. Tình thế ấy sẽ càng đẩy Iran vào thế bất lợi khi đang phải cảnh giác căng thẳng để chuẩn bị đối phó với khả năng một cuộc tấn công quân sự nhắm vào chương trình nguyên tử của Tehran.

Israel không che giấu ý định đơn phương đánh phá Iran, thậm chí không cần Mỹ chấp thuận. Cả tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước lớn của Tây Âu đều nhắc lại cụm từ “mọi lựa chọn đều bỏ ngỏ” để ngăn cản chương trình nguyên tử của Iran.

Mỹ đã quyết định rút nhanh toàn bộ binh sĩ của họ tại Iraq ngay trong tuần đầu tháng 12 tới, trước hạn chót ba tuần. Phải chăng động thái này nhằm loại bỏ nguy cơ thiệt hại nhân mạng cao cho quân Mỹ nếu Iran bị tấn công và đánh trả? Dường như mọi phía liên quan đều đã sẵn sàng cho một tình huống xấu nhất.

Ai cũng biết nếu chiến tranh nổ ra trong khu vực lần này sẽ không thể lường hết hậu quả. Nhưng ai mà biết được điều gì sẽ đến và đến vào lúc nào, khi các quốc gia liên quan cứ nhất định đối đầu sinh tử?

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên