Phóng to |
Các nhà lãnh đạo ASEAN cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ảnh: Reuters |
Là quan chức cấp cao hiếm hoi tại Bali (Indonesia) chủ động tiếp xúc với báo chí, Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario cho biết ông “khuyến khích ASEAN tổ chức một cuộc họp để điều phối thương lượng giữa Trung Quốc và những nước tuyên bố chủ quyền trên vùng biển, để làm rõ khu vực nào nằm ở phạm vi tranh chấp, khu vực nào không”.
“An ninh hàng hải là vấn đề quan trọng với mọi quốc gia, không chỉ là vấn đề tự do đi lại, tiếp cận giao thương mà không bị ngăn trở, mà còn cả thực tế có những tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng đang xảy ra ở đó - Ngoại trưởng Rosario khẳng định - Vì những lý do này, vấn đề biển Đông phải được đề cập”.
Hôm qua, tuyên bố của chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2011 đã nhấn mạnh ba ưu tiên của ASEAN là đảm bảo những tiến bộ quan trọng trong việc đạt được mục tiêu Cộng đồng ASEAN, đảm bảo cấu trúc và môi trường khu vực tiếp tục có lợi cho sự phát triển, và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu.
Đề cập vấn đề biển Đông, tuyên bố của chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2011 tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nhấn mạnh yêu cầu phải thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực để đảm bảo áp dụng đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới sự ra đời Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý. Tuyên bố cũng nhắc tới sáng kiến về khu vực hòa bình, tự do, thân thiện và hợp tác (ZoPFF/C) do Philippines đề xuất.
Theo đề xuất ZoPFF/C, những khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa phải tách riêng ra khỏi các khu vực không tranh chấp, phù hợp với Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Những khu vực tranh chấp có thể chuyển thành khu vực hợp tác khai thác chung, còn khu vực không tranh chấp phải được đặt dưới quyền tài phán của quốc gia khẳng định chủ quyền.
Hôm nay 19-11, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) chính thức diễn ra theo hình thức mở rộng, với sự tham gia lần đầu tiên của Mỹ và Nga. Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn đưa các vấn đề an ninh lên bàn thảo luận, trong đó có vấn đề tự do hàng hải trên biển Đông. Tại Bali, hôm qua ông Obama đã khẳng định: “EAS là diễn đàn hàng đầu để các bên cùng thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm cả an ninh hàng hải”.
Ông Obama khẳng định với Tổng thống Philippines Benigno Aquino là Mỹ đang quan sát tình hình biển Đông và sẽ “canh phòng” cho Philippines. Trong khi đó, phía Trung Quốc đang tìm mọi cách để không đưa vấn đề này ra thảo luận tại hội nghị.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cảnh báo về “sự can thiệp từ bên ngoài vào tranh chấp biển Đông” trong phát biểu tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 18-11. Dù không trực tiếp nêu rõ là Mỹ, nhưng ông Ôn Gia Bảo đã hàm ý là Mỹ khi nói: “Các thế lực bên ngoài không nên kiếm cớ để nhảy vào can thiệp”.
Tại Hội nghị ASEAN - Trung Quốc, với tư cách là nước chủ nhà, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã nhấn mạnh vấn đề an toàn và ổn định trên biển Đông có tính chiến lược sống còn. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết thảo luận về COC sẽ sớm được bắt đầu. Phía Nhật cũng cho rằng các nước đòi chủ quyền “cần theo đuổi minh bạch một nghị quyết hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế”.
Tại Bali, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố đã ghi nhận những “ánh lửa tiến bộ” ở Myanmar và cử Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sang thăm Myanmar vào tháng tới để cải thiện quan hệ. Trước đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý để Myanmar giữ ghế chủ tịch ASEAN vào năm 2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận