Tổng thống Giorgio Napolitano đã chấp nhận đơn từ chức của ông Berlusconi. Theo Reuters, cựu Ủy viên châu Âu Mario Monti được dự đoán là người thay thế để thành lập một chính phủ mới dẫn dắt Ý thoát khỏi nguy cơ trở thành một Hi Lạp thứ hai.
Phóng to |
Xe chở cựu thủ tướng Silvio Berlusconi rời khỏi dinh tổng thống - Ảnh: Reuters |
Tổng thống Napolitano sẽ có cuộc họp có thể kéo dài đến đêm ngày 13-11 (giờ địa phương, khoảng rạng sáng ngày 14-11 giờ VN) với các lãnh đạo đảng phái. Dự kiến sau đó ông sẽ yêu cầu ông Monti thành lập chính phủ trong ngày 14-11.
Ý sẽ không tổ chức bầu cử cho đến năm 2013, vì vậy một chính phủ quy mô nhỏ gồm các chuyên gia kỹ trị sẽ có 18 tháng để thực hiện các cải cách và bảo đảm thế đa số ở quốc hội. Các thị trường tài chính đã bày tỏ sự ủng hộ với chính phủ của ông Monti.
"Chúng tôi vẫn phải chờ một chính phủ mới, nhưng tôi tin chắc ông Monti sẽ thực hiện bất cứ hành động nào để phục hồi lòng tin của các thị trường tài chính vào Ý", cựu chủ tịch ngân hàng Unicredit lớn nhất Ý, ông Alessandro Profumo, nói với Reuters.
Nền kinh tế Ý đã gần rơi vào khủng hoảng trong tuần này khi lợi suất trái phiếu chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm tăng lên 7,6% - mức mà chính phủ Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã buộc phải cầu cứu gói giải cứu quốc tế.
Ông Berlusconi, sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội đầu tuần này, đã hứa sẽ từ chức khi quốc hội thông qua gói cải cách kinh tế do Liên minh châu Âu yêu cầu nhằm phục hồi lòng tin với thị trường tài chính Ý.
Phóng to |
Người dân tụ tập bên ngoài dinh tổng thống Ý sau khi thủ tướng Silvio Berlusconi chính thức tuyên bố từ chức - Ảnh: Getty Images |
Phóng to |
Phần đông người dân Ý vui mừng trước việc thủ tướng từ chức - Ảnh: Reuters |
AFP cho biết, Hạ viện Ý ngày 12-11 đã thông qua chương trình cải cách với 380 phiếu thuận, 26 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Trước đó, Thượng viện cũng đã thông qua dự luật với tỷ lệ 156 phiếu thuận và 12 phiếu chống vào ngày 11-11.
Những biện pháp cải cách như bán tài sản nhà nước trị giá khoảng 21 tỉ euro, nâng độ tuổi về hưu lên hai tuổi, thành 67 tuổi vào năm 2026, tăng thuế VAT và giá nhiên liệu... nhằm cắt giảm khoản nợ gấp 120% GDP, lên đến 1.900 tỉ euro của Ý, và thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Reuters, hàng ngàn người biểu tình đổ ra đường ăn mừng đón nhận tin từ chức của thủ tướng Ý, đánh dấu sự kết thúc thời gian dài 17 năm cầm quyền đầy tai tiếng của ông Berlusconi. Họ cầm theo biểu ngữ mỉa mai ông Berlusconi và đổ xuống đường dẫn đến dinh tổng thống khi đoàn xe hộ tống thủ tướng đi qua đây, hô vang chế giễu ông là "chú hề". Berlusconi đã buộc phải rời khỏi bằng một lối phụ để tránh đám đông và quay trở về nhà.
Không dừng lại ở đó, người dân tiếp tục di chuyển từ dinh tổng thống đến nhà riêng của Berlusconi, vừa đi vừa đồng thanh hô vang "Bỏ tù", "Bỏ tù". Theo hãng thông tấn ANSA, trước việc bị phản ứng như vậy, ông Berlusconi đã nói với các trợ lý riêng rằng "Việc này thực sự làm tôi rất buồn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận