28/09/2011 12:28 GMT+7

Thế bế tắc của châu Âu

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Thị trường chứng khoán thế giới tăng trở lại sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ tăng quỹ giải cứu tài chính châu Âu. Nhưng Đức khẳng định điều ngược lại.

cPuKcqXO.jpgPhóng to

Nhân viên thuế thổi còi bên ngoài Bộ Tài chính Hi Lạp ở Athens để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng - Ảnh: Reuters

Theo AFP, trong phiên giao dịch ngày 27-9, các thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ đã phản ứng tích cực sau khi ECB tuyên bố mở rộng Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), hiện có khoảng 440 tỉ euro (590 tỉ USD), để hỗ trợ các nước khu vực đang khủng hoảng.

Thế nhưng, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, như báo Der Spiegel dẫn lời, lại khẳng định: “Chúng tôi đã trao cho EFSF những công cụ để nó hoạt động. Nhưng chúng tôi không hề có ý định mở rộng quy mô của nó”.

“Châu Âu đang làm tổn thương thế giới”

Mỹ vẫn đang tiếp tục gây sức ép buộc châu Âu nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. “Châu Âu không hề giải quyết đến nơi đến chốn những thách thức mà hệ thống ngân hàng châu lục này phải đối mặt - báo New York Times dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích - Họ đang trải qua một cuộc khủng hoảng làm cả thế giới bị tổn thương”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng kêu gọi châu Âu thiết lập một khung tài chính mạnh mẽ hơn để chống khủng hoảng.

Các nước khối đồng euro vẫn đang chia rẽ xung quanh việc cứu trợ Hi Lạp và ngăn khủng hoảng nợ lan rộng sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… Châu Âu hi vọng nền kinh tế lớn nhất là Đức sẽ đóng góp phần lớn các khoản cho vay cho các nước đang khủng hoảng như Hi Lạp. Nhưng chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel lại đang vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của người dân Đức, bởi họ không muốn thấy tiền thuế của mình đem đi cứu nước khác.

Do đó, Berlin vẫn liên tục phản đối ý tưởng mở rộng EFSF và phát hành loại trái phiếu chung eurobond của khối đồng euro. Trong khi đó, Phần Lan lại đòi Hi Lạp phải ký quỹ thì mới cho vay. Sự cứng rắn của Phần Lan khiến châu Âu vẫn chưa thể khởi động gói giải cứu thứ hai trị giá 109 tỉ euro (147,6 tỉ USD) cho Hi Lạp.

Trong một bài viết trên báo New York Times, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng các chính phủ châu Âu cứ cam kết sẽ đưa ra “mọi biện pháp cần thiết” để ngăn khối đồng euro sụp đổ, nhưng đến nay họ lại chỉ làm cho đồng euro ngày càng mong manh hơn. Theo ông, nhu cầu tiêu dùng của các nước mắc nợ ở châu Âu đã sụt giảm mạnh. Trong lúc đó, các chi tiêu trong khu vực công lại đột nhiên bị cắt giảm mạnh do các chương trình thắt lưng buộc bụng. Vậy thì việc làm và tăng trưởng được tạo ra từ đâu? Tăng trưởng và việc làm chỉ có thể là từ xuất khẩu, chủ yếu sang các nước châu Âu khác. Thế nhưng, xuất khẩu lại không thể tăng nếu như cùng lúc đó các nước cho vay cũng đưa ra các chính sách thắt lưng buộc bụng, dẫn đến nguy cơ đẩy châu lục vào tình trạng trì trệ.

Bi kịch Hi Lạp

Không một bi kịch Hi Lạp cổ nào có thể mô tả nổi nỗi đau mà đất nước Hi Lạp hiện đại đang trải qua. Để nhận các gói cứu trợ, chính quyền Athens đã phải bán chủ quyền (thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của EU và IMF). Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Athens hiện đang rao bán tài sản quốc gia. Theo báo Greek Reporter, hoàng tử Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani đang đàm phán với Athens để mua lại một trong số các hòn đảo ở biển Ionia, rộng khoảng 80ha, với giá 200 triệu USD.

Theo Reuters, Athens cũng đang rao bán “ánh nắng mặt trời” cho Đức. Thủ tướng Hi Lạp George Papandreou mời mọc Đức đầu tư vào một dự án năng lượng mặt trời trên diện tích 20.000ha ở thành phố Kozani. “Chúng tôi có thể cung cấp cho Đức 10.000-15.000 MW điện - Thủ tướng Papandreou chào mời, chúng tôi hi vọng sẽ thu hút đầu tư hơn 20 tỉ euro (27,5 tỉ USD), tạo ra 30.000-60.000 việc làm”.

Hi Lạp cũng đang chuẩn bị bán hai nhà máy điện chạy than của Tập đoàn PPC để đáp ứng quy định của EU về cạnh tranh cũng như điều kiện mà gói cứu trợ của EU và IMF đặt ra. Nhưng như AFP cho biết, các nhà đầu tư Đức xem ra không mấy mặn mà. “Lợi ích của các doanh nghiệp Đức đối với Hi Lạp là có đấy - chủ tịch BDI Hans-Peter Keitel khẳng định - Nhưng không ai trong chúng tôi sẽ đến Hi Lạp nếu như bản thân những nhà đầu tư Hi Lạp lại đang bỏ nước mình ra đi”.

Tình hình ở Hi Lạp hiện hết sức khó khăn. Theo báo Wall Street Journal, Tập đoàn dược Thụy Sĩ Roche đã ngừng cung cấp thuốc cho một số bệnh viện ở Hi Lạp do các bệnh viện này không còn đủ khả năng trả nợ. “Những bệnh viện này đã không thanh toán hóa đơn từ 3-4 năm qua - Roche tuyên bố - Đã đến lúc việc kinh doanh không đem lại hiệu quả”. Trước đó, chính quyền Athens đã cung cấp trái phiếu chính phủ cho một số hãng dược để trả nợ. Roche đã lập tức bán trái phiếu Hi Lạp. Ngoài Roche, một số hãng dược khác cũng đang tìm cách bỏ chạy khỏi Hi Lạp. Tính đến tháng 6, các bệnh viện Hi Lạp mới chỉ trả được 37% trong tổng số 2,26 tỉ USD tiền thuốc đã nhận.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên