04/07/2011 02:48 GMT+7

Em gái Thaksin trở thành thủ tướng

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Sau sáu đời nam thủ tướng với nhiều bất ổn trong chính trường, cuối cùng Thái Lan có nữ thủ tướng đầu tiên khi cử tri Thái dồn phiếu cho Đảng Puea Thai của bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, giúp đảng này giành được đa số tuyệt đối tại quốc hội.

Read this on Tuoitrenews.vn

BaHRPTmW.jpgPhóng to

Bà Yingluck Shinawatra đón nhận sự ủng hộ tại tỉnh Ubonratchathani, đông bắc Thái Lan 29-6 - Ảnh: AFP

Báo Bangkok Post dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Ủy ban bầu cử Thái Lan tối 3-7 cho biết với 97% số phiếu đã được đếm, Đảng Puea Thai đã chiến thắng áp đảo, giành 263 ghế, dẫn trước Đảng Dân chủ cầm quyền với 161 ghế trong 500 ghế quốc hội.

Trước đó kết quả thăm dò ý kiến của hơn 150.000 cử tri ở Trường ĐH Suan Dusit cho biết Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) giành được 313 ghế, áp đảo so với Đảng Dân chủ cầm quyền giành được 152 ghế trong tổng số 500 ghế quốc hội.

Trong khi đó, kết quả thăm dò được công bố lúc 15g cùng ngày do kênh MCOT thực hiện cho thấy Đảng Puea Thai sẽ giành được 299 ghế, trong khi Đảng Dân chủ giành được 132 ghế.

Bangkok Post dẫn lời đương kim Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử. Ông đã gửi lời chúc mừng bà Yingluck Shinawatra. “Kết quả đã rõ ràng, Đảng Puea Thai đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử này và Đảng Dân chủ đã thất bại. Tôi muốn chúc mừng Đảng Puea Thai đã giành quyền thành lập chính phủ mới” - ông Abhisit nói từ trụ sở của Đảng Dân chủ.

Về phần mình, bà Yingluck nêu rõ: “Nhân dân đã cho tôi cơ hội và tôi sẽ làm hết khả năng của mình để phục vụ nhân dân".

Với chiến thắng này, bà Yingluck Shinawatra - 44 tuổi, nữ doanh nhân và là gương mặt mới toanh trên chính trường Thái Lan - sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước này.

Ngay khi những kết quả đầu tiên được công bố lúc 17g, tại trụ sở Đảng Puea Thai, những người ủng hộ bà Yingluck đã tổ chức ăn mừng chiến thắng và reo hò “Yingluck là số 1”, “Yingluck là thủ tướng”.

Giữa mối quan ngại kết quả bầu cử mà Đảng Puea Thai thắng sẽ châm ngòi cho một cuộc bạo động mới, từ Dubai, cựu thủ tướng Thaksin đã kêu gọi các bên hãy tôn trọng kết quả của cuộc tổng tuyển cử. “Các đảng phái phải tôn trọng quyền quyết định của nhân dân, nếu không đất nước chúng ta không thể có hòa bình" - ông Thaksin nói.

“Anh trai Thaksin đã gọi điện thoại chúc mừng (chúng tôi) và nói một công việc khó khăn đang chờ (chúng tôi) phía trước” - bà Yingluck Shinawatra nói.

Bà Yingluck, người em gái mà ông Thaksin mô tả là “bản sao” của mình, đã không hề có chút kinh nghiệm nào về chính trị khi được đẩy ra trước sân khấu chính trị cách nay hai tháng. Nhưng bà đã dẫn dắt cuộc tranh cử đến thành công.

“Tôi muốn trở về Thái Lan nhưng tôi sẽ chờ đợi đúng thời điểm” - ông Thaksin nói từ Dubai.

Song sự trở về của ông Thaksin sẽ không là sự thật dù em gái ông có trở thành thủ tướng, bởi quân đội sẽ hành động ngay lập tức. “Nếu ông ấy đặt chân về Thái Lan thì quân đội có khả năng sẽ cáo buộc ông ấy về tội gây mất đoàn kết trong người Thái” - ông Pavin, chuyên gia nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nhận định.

Kết quả của cuộc bầu cử này được xem là thiết yếu để cuối cùng Thái Lan có thể bước ra khỏi cuộc bạo động chính trị và thu hẹp hố ngăn cách giữa những tầng lớp “ưu tú” tại thủ đô và các tầng lớp nghèo thành thị cùng nông thôn trung thành với ông Thaksin, thủ tướng bị lật đổ năm 2006.

Khoảng cách tồn tại

Giới quan sát đều cho rằng dù đảng nào thắng cử thì một mâu thuẫn xã hội vẫn tiếp tục tồn tại và có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào.

Báo The Nation cho rằng đó là “sự từ chối đối thoại giữa tầng lớp thống trị giàu có (quan chức về hưu, những người “áo vàng” thân cận với giới cầm quyền hiện tại, các lãnh đạo quân sự, trí thức ...) và các tầng lớp nghèo thành thị cùng nông thôn”.

Theo báo này, tầng lớp bên trên đã quyết liệt chống lại kế hoạch phân quyền của Ủy ban cải cách quốc gia khi cố bám víu lấy niềm tin cho rằng họ nắm giữ vị trí thống trị cả về đạo đức lẫn trí tuệ.

Trong con mắt của họ, nông dân chỉ là những kẻ “ít học”, “ngờ nghệch”, “không trưởng thành về chính trị”, “dễ bị xúi giục”, “dễ bị mua chuộc”, do vậy không đủ trình độ và đạo đức để bầu ra những người lãnh đạo, thậm chí ngay cả bầu ra một trưởng làng.

Báo này viết: “Với sức mạnh về tiền của, quyền lực, bằng cấp và vũ khí, tầng lớp “ưu tú” tự nhận này tin rằng họ biết điều gì là thích hợp nhất với Thái Lan và có quyền “xỏ mũi” hàng triệu công dân nước mình. Họ tự cho mình có thừa mứa đạo đức và trí tuệ đến mức không còn khả năng thừa nhận phần trách nhiệm của mình trong cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Trong khi đó, vẫn theo báo này, nông dân đã bắt đầu nhận thức được rằng chính hệ thống chính trị đẳng cấp, tập trung vào tay thiểu số bên trên, nhất là não trạng tự cho mình là tầng lớp thống trị về đạo đức và trí tuệ này, là nguyên nhân khiến các vùng nông thôn bị bỏ rơi và trở nên nghèo đói.

Tình trạng “những người con ưu tú của làng quê” cứ bỏ ra thủ đô, việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng làn sóng lao động bỏ nông thôn về thành phố đã khiến trẻ em nông thôn không nhận được một nền giáo dục thích hợp và tình trạng bất công cùng áp bức cứ kéo dài.

T.N.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên