02/07/2011 09:15 GMT+7

Úc bắt 6 quan chức liên quan tới vụ in tiền polymer

K.LOAN (Theo The Age) - M.Q.
K.LOAN (Theo The Age) - M.Q.

TT - Ngày 1-7, Cảnh sát liên bang Úc (AFP) đã buộc tội hai công ty con của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) là Securency International và Công ty In tiền Úc (NPA), cùng với một số cựu giám đốc cao cấp của hai công ty chuyên về in tiền polymer về tội đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài để giành được các hợp đồng.

Việc đưa ra những cáo buộc và vụ bắt giữ này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc điều tra kéo dài hai năm qua, liên quan tới vụ bê bối hối lộ lớn nhất lịch sử Úc ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Các nhân viên AFP đã đột kích vào nhiều ngôi nhà ở thủ phủ Melbourne thuộc tiểu bang Victoria, bắt giữ sáu cựu giám đốc cao cấp của Securency International và NPA. Các cựu giám đốc này bị cáo buộc đưa hàng triệu USD tiền hoa hồng ở Malaysia, Việt Nam và Indonesia để giành hợp đồng in tiền polymer trong giai đoạn 1999-2005.

Họ được tại ngoại sau khi xuất hiện ở tòa án để điều trần. Thẩm phán Donna Bakos đã ra lệnh họ trở lại tòa án vào tháng 9-2011 để điều trần tiếp tục.

Securency International là công ty in tiền, có 50% vốn của RBA và 50% còn lại của Công ty Anh Innovia.

Cáo buộc chống lại các công ty của Úc nếu được tòa án phán quyết sẽ có mức phạt tối đa 330.000 USD/tội, và mỗi cá nhân có thể bị tới 10 năm tù, và/hoặc bị phạt 1,1 triệu USD.

“Diễn biến này đưa ra thông điệp rất rõ ràng cho các doanh nghiệp Úc rằng AFP sẽ kiên trì thực thi pháp luật liên quan tới tội hối lộ ở nước ngoài - chỉ huy Chris McDevitt cho các phóng viên biết - Vào tháng 2-2010, Chính phủ Úc đã tăng mạnh hình phạt đối với các công ty thực hiện hành vi hối lộ khi làm ăn ở nước ngoài. Hiện hình phạt là 11 triệu USD hoặc 33% doanh thu hằng năm của công ty đó, tức gấp ba lần số tiền hối lộ mà công ty đó đã đưa”.

AFP bắt đầu điều tra vụ việc từ tháng 5-2009, sau khi có đủ bằng chứng để theo đuổi vụ việc, cho dù đã được thông báo từ năm 2008. Khoảng 20 nhân viên AFP tham gia điều tra vụ án, và đến nay đã thu thập được 88 triệu tài liệu liên quan.

Chiều 1-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Phách - chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - cho biết chưa nhận được thông tin về vụ việc trên. Tuy nhiên, ông cho hay nếu có thông tin như phía Úc nêu thì Việt Nam cũng đã có quy định của mình và theo quy trình phải điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, khi phía Úc có thông tin chính thức chuyển sang Việt Nam đề nghị hợp tác điều tra thì sẽ xem xét xử lý. Ông Phách nhấn mạnh thông tin đó phải đảm bảo đủ chứng cứ, phù hợp với quy định của pháp luật từng nước.

K.LOAN (Theo The Age) - M.Q.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên