Bụi tro đe dọa bầu trời Bắc Âu
Phóng to |
Lufthansa thông báo sẽ hủy 150 chuyến bay trong ngày 25-5 - Ảnh: AFP |
Lufthansa, công ty hàng không số một của Đức, trước đó đã đưa ra dự báo 150 chuyến bay của công ty sẽ phải hủy bỏ trong ngày 25-5 vì tro núi lửa Iceland đã khiến các không phận Scotland và Bắc Ireland phải đóng cửa.
Hoạt động tại các sân bay Tegel và Shoenefeld sẽ tạm ngừng bắt đầu từ 11g ngày 25-5, một quan chức an toàn hàng không tại Berlin nói.
Tại Hamburg, thành phố lớn thứ hai của Đức, không máy bay nào cất cánh hay hạ cánh từ 6g, một quan chức hàng không nói với AFP.
Tại thành phố cảng Bremen, giao thông hàng không đã tạm ngưng từ 5g sáng, riêng các dịch vụ của Lufthansa sẽ bị hoãn đến 16g.
Một số chuyến bay ở các thành phố ngoài tầm ảnh hưởng của tro núi lửa như Munich và Frankfurt cũng sẽ bị hủy.
Bộ trưởng Giao thông Đức Peter Ramsauer dự báo tình hình sẽ cải thiện vào cuối ngày 25-5. Hiện nhiều quốc gia như Ba Lan và các quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia cũng sắp bị ảnh hưởng.
Ngành hàng không chỉ trích chính quyền vì tiêu chuẩn an toàn Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã lên tiếng chỉ trích việc các quốc gia châu Âu áp dụng những tiêu chuẩn khác nhau trong đánh giá mật độ tro núi lửa. IATA kêu gọi một sự hợp tác quốc tế hiệu quả hơn.
Châu Âu đang xử lý khủng hoảng tro núi lửa tốt hơn năm ngoái, nhưng các chính phủ cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc quy định các tiêu chuẩn an toàn của mình để tránh một quyết định chắp vá. Đó là nhận xét của tổng giám đốc IATA Giovanni Bisignani. "Quá trình xử lý sự cố hiệu quả hơn và chúng ta không phải đóng cửa hàng loạt không phận như năm ngoái. Nhưng vẫn không có một quy định chính thức nào về một lối giải quyết tình huống thống nhất và hợp tác", Reuters dẫn phát biểu của tổng giám đốc IATA. Reuters cho biết những quy định đóng cửa không phận được quyết định sau khi núi lửa ở Iceland phun trào đã gây tranh cãi ở châu Âu. Theo ông Bisigani, các bộ trưởng vận tải châu Âu cần ban hành một tiêu chuẩn an toàn chung để quyết định các chuyến bay có được cất cánh hay không. Trong một bức thư gửi đến bộ trưởng giao thông vận tải Anh, ông Bisigani đã thể hiện sự "đáng kinh ngạc và không thể chấp nhận" khi nước này không hề có một máy bay giám sát bầu trời nào hoạt động. Trong năm nay, Cơ quan Hàng không dân dụng Anh đã áp dụng hai thay đổi để đối phó với khủng hoảng bụi núi lửa. Đầu tiên là các bảng đánh giá về mật độ tro trong không khí sẽ được chia ra làm ba cấp: thấp (trên 2mg bụi/m3), trung bình (trên 4mg bụi/m3) và cao. Nước Anh cũng sẽ cho phép các hãng hàng không được quyền quyết định thực hiện chuyến bay hay không. Theo BBC, một số chuyến bay đã được cấp phép bay đến vùng có mật độ bụi trung bình. Hãng hàng không quốc gia giá rẻ Ryanair của Irceland cho biết họ đã triển khai máy bay giám sát đến vùng được nhận định là có nhiều tro bụi trên không phận Scotland. Nhưng Reuters dẫn kết quả báo cáo từ Ryanair rằng không phát hiện dấu hiệu tro. Một cuộc kiểm tra ở mặt đất sau đó cũng cho thấy máy bay không bị tổn hại gì.
Đức là nước phản đối mạnh mẽ nhất việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn mới. Nước này khăng khăng sẽ đóng cửa ở bất kỳ bầu trời nào có dấu hiệu bụi núi lửa. Hôm nay 25-5, Reuters dẫn thông báo từ Cơ quan Quản lý không lưu châu Âu Eurocontrol rằng khoảng 500 chuyến bay có lịch trình bay ngang không phận Vương quốc Anh đã bị hoãn sau vụ núi lửa phun tại Iceland. Theo Eurocontrol, xác suất đám mây bụi này sẽ di chuyển đến Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển rất cao, nhưng số các chuyến bay bị ảnh hưởng có thể sẽ giảm đi. Reuters cho biết khối các nước Bắc Âu đã chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với tình trạng hàng không đình trệ do bụi núi lửa, nhưng các chuyên gia khẳng định vụ việc tương tự năm ngoái sẽ không lặp lại. Theo các quan chức hàng không, xảy ra sự cố không lưu hồi năm ngoái là do họ đã không đánh giá đúng điều kiện thực tế trong không khí mà chỉ dựa vào các biểu đồ máy tính chỉ ra tro bụi có thể lan đến đâu. Vụ đình trệ hàng không hàng loạt vì tro núi lửa năm 2010 đã khiến hơn 100.000 chuyến bay phải hoãn, hàng triệu hành khách bị mắc kẹt và ngành công nghiệp này thất thoát 1,8 tỉ USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận