23/04/2011 07:14 GMT+7

Thủy điện + biến đổi khí hậu = "án tử " cho ĐBSCL

ĐỨC VỊNH - TRUNG CƯỜNG lược ghi
ĐỨC VỊNH - TRUNG CƯỜNG lược ghi

TT - Ảnh hưởng từ các đập thủy điện trên sông Mekong sẽ làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Sự cộng hưởng này khiến mức độ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh sẽ vô cùng nghiêm trọng, là “án tử” cho vùng ĐBSCL...

ZDaoZlZ4.jpgPhóng to

Lũ không về gây ảnh hưởng nặng đến những cánh đồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh là cánh đồng lúa bị nhiễm mặn ở Bình Đại, Bến Tre - Ảnh: H.T.V.

Đó là nhận định của TS Đào Trọng Tứ - giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) - phát biểu tại cuộc họp bàn tìm giải pháp để thích ứng với tình huống xấu nhất là các đập trên thượng nguồn sông Mekong được triển khai.

Cuộc họp này diễn ra hôm qua 22-4 tại Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, một nhóm nhà khoa học và lãnh đạo một số ban ngành các tỉnh ĐBSCL.

Chưa có Xayaburi, đã sớm lãnh hậu quả

Nhiều ý kiến cho rằng chưa nói tới chuyện xây thêm đập Xayaburi và 11 đập khác ở trung lưu dòng chính, chỉ việc mới xuất hiện một số đập trên lãnh thổ Trung Quốc ở thượng lưu sông Mekong mà ĐBSCL đã lãnh đủ hậu quả. ThS Trần Anh Thư - phó giám đốc Sở TN&MT An Giang - cho rằng: Thứ nhất là ảnh hưởng đến tài nguyên đất, đất canh tác không được bồi đắp phù sa khiến ngày càng thoái hóa làm chi phí sản xuất cao hơn trước. Bên cạnh đó, dòng chảy biến đổi cộng thêm nguồn nước thiếu phù sa đã gia tăng sạt lở đất bờ sông.

Mặt khác, mực nước thấp làm tăng tình trạng xâm nhập mặn và nguy cơ đất bị phèn hóa... Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, lúc này mặn đã xâm nhập vào thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ với nồng độ cao và sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới. Năm 2010 toàn tỉnh có khoảng 9.000ha đất nông nghiệp nhiễm mặn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống người dân.

Tại Bến Tre, theo kết quả quan trắc, độ mặn dao động từ 8-290/00. Trước đây cứ 4-5 năm mới xuất hiện hiện tượng mặn xâm nhập sâu một lần, nhưng từ năm 2000 trở lại đây hiện tượng này xảy ra liên tục, thậm chí trong hai năm liền. Năm 2010 toàn tỉnh bị giảm năng suất trên 1.570ha lúa, 4.500ha đất phải bỏ hoang, trên 10.100ha cây ăn trái, nuôi tôm..., thiệt hại ước khoảng 198 tỉ đồng.

Còn tại Cà Mau, chỉ tính diện tích một vụ lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại do nắng hạn cục bộ và xâm nhập mặn từ năm 2005 - 2010 đã trên 28.100ha. Ước thất thu khoảng 78 tỉ đồng/năm. Đấy là chưa tính diện tích lúa hè thu và lúa mùa mỗi năm thiệt hại gần 30 tỉ đồng.

Dự báo thời gian tới có khoảng 60.000 - 90.000ha đất sản xuất thuộc các vùng ven biển có nguy cơ bị ngập. TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) - cho biết tại ĐBSCL năm 2010 lưỡi mặn 1g/lít đã đi sâu vào đất liền 70km.

Song song đó nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, nhiều loài cá có giá trị biến mất. Theo TS Lê Phát Quới - trưởng phòng quản lý tài nguyên Viện môi trường & tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh bắt thủy sản vốn là nguồn thu nhập chính của người dân, nhưng những năm gần đây ở ĐBSCL không còn những xóm chài, số hộ làm nghề này đã giảm khá nhiều.

Mùa nước nổi năm rồi hầu như lũ không về, sản lượng cá đánh bắt giảm hẳn khiến cuộc sống bà con nông thôn khó khăn hơn.

Dự án “nâng cao nhận thức cộng đồng”

Nguồn nước ngọt từ sông Mekong vốn đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải tạo đất, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, nếu các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong tiếp tục xây dựng thì trước hết diện tích canh tác lúa sẽ bị giảm do xâm nhập mặn và phèn hóa.

TS Đào Trọng Tứ cho biết với những tác động như vậy, chắc chắn năng suất, sản lượng và giá trị nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ giảm mạnh. Mặt khác cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm, mất cân bằng hệ sinh thái khó có thể phục hồi.

“Ảnh hưởng từ các đập thủy điện sẽ làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Có thể nói nếu xây thêm hàng loạt đập trên sông Mekong thì mức độ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh sẽ vô cùng nghiêm trọng, là “án tử” cho vùng ĐBSCL. Trong đó người nghèo bị tác động nặng nề nhất” - TS Tứ nhận định.

Từ những đánh giá đó, cuộc họp thống nhất triển khai dự án nâng cao nhận thức địa phương về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở ĐBSCL. Dự án do Tổ chức McKnight Foundation và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới tài trợ 30.000 USD, sẽ được thực hiện từ 2011-2012, với mục đích nghiên cứu cung cấp thông tin về môi trường chiến lược đối với 12 dự án thủy điện dự định xây trên dòng chính sông Mekong, từ đó đề xuất những giải pháp chủ động thích ứng trong trường hợp các đập được triển khai.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện- trưởng nhóm tư vấn quốc gia trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mekong - cho biết: “Dự án nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng, xã hội về một nguy cơ; vừa là một kênh ghi nhận thông tin từ đông đảo người dân và các địa phương vốn trực tiếp bị ảnh hưởng do tác động của việc xây đập thủy điện”.

ĐỨC VỊNH - TRUNG CƯỜNG lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên