23/04/2011 07:23 GMT+7

"Lào cần phải phát triển"

HỒNG VÂN thực hiện
HỒNG VÂN thực hiện

TT - Đó là lời giải thích cho việc xây đập Xayaburi của ông Viraphonh Viravong, giám đốc Tổng cục Điện lực thuộc Bộ Năng lượng và khoáng sản Lào, trong cuộc trả lời phỏng vấn PV Tuổi Trẻ tại Vientiane. Ông Viravong nói:

ySdurJ1f.jpgPhóng to
Ông Viraphonh Viravong

- Lào muốn phát triển kinh tế bằng tài nguyên thiên nhiên. Một trong các loại tài nguyên đó là thủy điện. Chúng tôi cho rằng thủy điện là năng lượng có thể tái tạo, thân thiện với môi trường nếu so sánh với điện nguyên tử, điện than... Chúng tôi có tiềm năng rất lớn đối với thủy điện, không chỉ để cung cấp trong nước mà còn để xuất khẩu cho các nước khác.

* Có đúng là Lào muốn xây dựng hơn 100 con đập trên dòng chính và các dòng sông phụ?

- Con số không quan trọng. Một số con đập rất lớn nhưng một số con đập khác lại rất nhỏ. Con số có thể khiến hiểu nhầm. Nếu chúng tôi xây hết các con đập mình muốn, sản lượng điện thu được hứa hẹn là 20.000MW. Khi bán điện, chúng tôi có thể phát triển những ngành công nghiệp khác. Nếu không có điện thì không thể công nghiệp hóa. Đó không phải là chuyện bán 1 kWh điện sẽ được bao nhiêu tiền. Chúng tôi thậm chí còn không muốn bán điện ra nước ngoài. Nếu cung cấp điện giá rẻ, chúng tôi sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến đầu tư ở Lào.

* Nhưng để làm thủy điện phải trả giá bằng việc mất rừng và thay đổi sinh thái?

- Tôi cho rằng có rất nhiều hiểu lầm về vấn đề này. Có rất nhiều loại thủy điện và quy mô khác nhau. Và nếu so sánh số rừng bị mất đi do hồ chứa thủy điện, diện tích đó rất nhỏ. Trong nhiều trường hợp, sau khi đập thủy điện được hoàn thành, nơi đó trở thành điểm du lịch, nhiều người đến vùng lòng hồ để câu cá giải trí vì trong lòng hồ có rất nhiều cá.

* Nếu thủy điện tốt như vậy, tại sao lại có quá nhiều quan ngại, nhất là với đập thủy điện Xayaburi gần đây?

- Để xây dựng bất cứ điều gì, phải thay đổi thiên nhiên. Nếu sự thay đổi không nguy hại và không xấu mà chỉ là khác biệt thì chúng ta cho phép sự thay đổi diễn ra. Chúng ta không thể xây dựng mà không thay đổi vì đó là tự nhiên. Và chúng tôi so sánh lợi và hại của mỗi dự án, tính luôn cả tổn hại với môi trường và xã hội.

* Góp ý của ba nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam về thủy điện Xayaburi nêu rõ sự lo ngại của các nước này đối với tác động xuyên biên giới, nghề cá và dòng phù sa. Lào ghi nhận chuyện này như thế nào?

- Lào đã hoàn tất trách nhiệm tham vấn trước, chia sẻ thông tin với các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong trước khi thi công con đập và việc này đã kết thúc. Chúng tôi đã nhận được phản hồi từ các nước thành viên. Quá trình tham vấn trước đã kết thúc.

Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ cùng với nhà đầu tư xem xét những nghiên cứu và góp ý cụ thể của các nước thành viên về đập Xayaburi để xem chúng hợp lý hay không đáng xem xét, và thảo luận phương án giảm thiểu tác hại. Nếu thấy không có gì nghiêm trọng, chúng tôi sẽ cho xây dựng con đập.

HỒNG VÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên