Phóng to |
Hình ảnh tàu Thi Lang tại cảng Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc do Tân Hoa xã giới thiệu - Ảnh: THX |
Trung Quốc đã mua lại tàu sân bay này với giá 200 triệu USD từ Ukraine vào năm 1998 khi nó mới được hoàn thiện phần khung (ngưng lại do hết tiền) trong một đợt bán đấu giá.
Từ “nhà hàng - khách sạn nổi”...
Theo các nguồn tin của Trung Quốc, ban đầu Chính phủ Trung Quốc có ý định cải tạo con tàu thành một nhà hàng - khách sạn nổi cao cấp, nhưng rồi lại thay đổi ý định và cải tạo thành tàu sân bay như hiện nay.
Con tàu có tên ban đầu là Varyag, tải trọng 67.500 tấn và đã được đem về cảng đóng tàu Đại Liên (Liêu Ninh) từ năm 2002. Theo Tân Hoa xã, nó có tên mới là Shi Lang (Thi Lang) - tên của người chỉ huy chiến dịch quân sự Đài Loan năm 1681. Như vậy, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ở Đông Bắc Á hạ thủy tàu sân bay. Tàu có thể sẽ chạy thử vào ngày 23-4-2011 nhân kỷ niệm ngày thành lập hải quân Trung Quốc và kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921-2011).
Trước sự kiện này, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc bình luận: “Các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc giờ lại phải bận rộn với việc tự phòng vệ”. Năm 2010, Nhật Bản đã đưa ra hướng dẫn chính sách quốc phòng mới, trong đó nhấn mạnh cần phải tăng cường số lượng tàu ngầm. Mỹ đến nay vẫn chưa có phản ứng nào chính thức.
Nhưng ngay từ cuối năm 2010, Mỹ đã tăng số lượng tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương do hạm đội 7 kiểm soát từ một tàu lên ba tàu. Ấn Độ, nước cực kỳ nhạy cảm với những động thái quân sự của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, cũng đã mua ba tàu sân bay và có kế hoạch mua tàu sân bay 44.000 tấn có tên Đô đốc Gorshkov từ Nga với giá 1,2 tỉ USD.
...Đến “bảo vệ lãnh hải mở”?
Vẫn theo tờ Chosun Ilbo, từ năm 2009 Trung Quốc đã chuyển chiến lược hải quân từ bảo vệ lãnh hải sang “bảo vệ các khu vực lãnh hải mở” và tìm cách mở rộng không gian chiến lược của mình ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Trung Quốc đã triển khai ba tàu hải quân ở vùng biển của Somalia từ năm 2008 và thực hiện hàng loạt cuộc tập trận hải quân quy mô rộng từ tháng 4-2010. Một chuyên gia về chính trị quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cũng nhận định: “Vào thời điểm các lợi ích của Trung Quốc xuất hiện ở khắp mọi ngõ ngách thì lợi ích quốc gia của Trung Quốc sẽ không thể chỉ giới hạn ở vùng lãnh hải của mình. Cần có tàu sân bay để mở rộng hoạt động ra khắp thế giới”. Việc Trung Quốc có tàu sân bay là để đảm bảo an toàn cho các con đường nhập khẩu dầu từ Trung Đông sau nhiều lo ngại liên quan tới an ninh năng lượng tại các vùng biển ảnh hưởng của Mỹ.
Theo New York Times, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu lớn dầu khí (60% nhu cầu), các sản phẩm nguyên liệu thô và xuất các sản phẩm thành phẩm từ các nước Tây Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latin và cả Caribê.
Với việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay, so sánh về tương quan quyền lực và sức mạnh hải quân ở Đông Bắc Á cũng sẽ thay đổi. Một tàu sân bay mang theo một nhóm từ 5-8 tàu hộ tống, gồm tàu trang bị hệ thống điều khiển vũ khí và công nghệ cao Aegis, tàu khu trục và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nếu Thi Lang được triển khai ở vùng biển phía tây, hầu hết không phận của Hàn Quốc sẽ nằm trong phạm vi hoạt động của các máy bay chiến đấu đậu trên tàu sân bay Thi Lang. Tàu sân bay của Trung Quốc cũng sẽ mang theo các trực thăng lắp đặt hệ thống rađa cảnh báo sớm, cho dù tầm hoạt động ngắn hơn so với các máy bay E-2C của Mỹ.
Sân tập?
Báo Chosun Ilbo cho biết ở thời điểm này, Thi Lang sẽ được sử dụng làm nơi thử nghiệm công nghệ máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay, trong khi Trung Quốc phát triển các chiến lược đánh trận liên quan tới tàu sân bay. Dựa vào kinh nghiệm tàu Thi Lang, Trung Quốc hoàn thiện các tàu sân bay “cây nhà lá vườn” đang đóng ở Thượng Hải và dự kiến hạ thủy vào năm 2015 hoặc 2016. Chosun Ilbo cho biết Trung Quốc cũng có kế hoạch phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2020.
Phó đô đốc đã nghỉ hưu của Ấn Độ Pradeep Kaushiva cho báo DNA (Ấn Độ) biết một tàu sân bay của Trung Quốc không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng tất cả thành phần tham gia vào cuộc chơi hải lực này lại rất đáng quan tâm và chú ý. “Việc triển khai hoạt động của một tàu sân bay ở quy mô hoàn chỉnh từ Trung Quốc sẽ là sự thay đổi rất lớn trong bối cảnh quân sự”.
Sau thời gian thử nghiệm, có thể tàu Thi Lang sẽ chính thức hoạt động vào năm 2015. Trước mắt, Thi Lang sẽ cho phép Trung Quốc có thể dịch chuyển không lực ra xa bờ hơn để có khả năng hoạt động nhiều hơn ở biển Đông.
Thi Lang cần được thử nghiệm trong khoảng hai năm, sau đó cần ít nhất tám năm để thử nghiệm rađa và hệ thống vũ khí như máy bay tàng hình J-15, các máy bay cảnh báo sớm và các loại vũ khí khác trên tàu. Báo cáo của Công ty an ninh toàn cầu Stratfor cho rằng sự ra mắt của tàu sân bay mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là khả năng quân sự, để chứng tỏ cho thế giới thấy Trung Quốc thật sự không còn là nước ở “mâm dưới” nữa không chỉ về kinh tế mà còn cả về quân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận